Đổi mới sản phẩm là gì, ví dụ về đổi mới sản phẩm? Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp đổi mới sản phẩm thế nào?
Đổi mới sản phẩm là gì, ví dụ về đổi mới sản phẩm?
Đổi mới sản phẩm (Product Innovation) là quá trình tạo ra và phát triển các sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình mới hoặc cải tiến. Điều này bao gồm việc giới thiệu các ý tưởng, công nghệ, tính năng hoặc thiết kế mới nhằm mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và tạo sự khác biệt cho sản phẩm so với các sản phẩm hiện có trên thị trường.
Đổi mới sản phẩm có thể bao gồm:
- Phát triển sản phẩm mới: Tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới đáp ứng nhu cầu chưa được đáp ứng hoặc mang lại lợi ích độc đáo.
- Cải tiến sản phẩm: Nâng cao các sản phẩm hiện có bằng cách giới thiệu các tính năng mới, cải thiện hiệu suất hoặc giải quyết phản hồi của khách hàng.
- Mở rộng dòng sản phẩm: Giới thiệu các biến thể hoặc phần mở rộng của sản phẩm ban đầu để phục vụ các phân khúc khách hàng khác nhau.
- Đổi mới quy trình: Cải tiến các phương pháp, kỹ thuật hoặc hệ thống trong sản xuất hoặc phân phối sản phẩm để tăng hiệu quả và giảm chi phí.
Dưới đây là một số ví dụ về đổi mới sản phẩm từ các thương hiệu lớn:
- Google: Google không ngừng đổi mới với các sản phẩm như Gmail, YouTube, hệ điều hành Android và trình duyệt web Chrome. Sự đa dạng trong danh mục sản phẩm và việc liên tục cải tiến công nghệ đã giúp Google duy trì vị thế hàng đầu trên thị trường công nghệ.
- Amazon: Amazon đã phát triển nhiều sản phẩm và dịch vụ mới như Amazon Prime, Kindle, và Alexa. Những sản phẩm này không chỉ cải thiện trải nghiệm người dùng mà còn mở rộng thị trường của Amazon.
- Netflix: Netflix bắt đầu là một dịch vụ cho thuê DVD qua thư và đã chuyển đổi thành một nền tảng phát trực tuyến toàn cầu. Họ liên tục đổi mới bằng cách sản xuất nội dung gốc và cải thiện thuật toán đề xuất phim.
- Zoom: Zoom đã trở thành một công cụ quan trọng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 nhờ vào khả năng cung cấp các cuộc họp trực tuyến chất lượng cao. Họ liên tục cải tiến các tính năng như phòng họp ảo và bảo mật.
- Booking com: Booking com đã đổi mới trong lĩnh vực du lịch bằng cách cung cấp nền tảng đặt phòng trực tuyến dễ sử dụng, với nhiều lựa chọn chỗ ở và dịch vụ khách hàng tốt.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Đổi mới sản phẩm là gì, ví dụ về đổi mới sản phẩm? (Hình từ Internet)
Trong trường hợp đổi mới sản phẩm, ảnh hưởng việc làm người lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ gì?
Theo Điều 42 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
1. Những trường hợp sau đây được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ:
a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
b) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
c) Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.
2. Những trường hợp sau đây được coi là vì lý do kinh tế:
a) Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;
b) Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
3. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
4. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này.
...
Theo đó đổi mới sản phẩm được coi là một trong các trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ.
Trường hợp đổi mới sản phẩm phải thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2019.
Trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Phương án sử dụng lao động quy định những nội dung nào?
Tại khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì phương án sử dụng lao động phải có 05 nội dung chủ yếu sau đây:
- Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
- Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;
- Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.