Doanh nghiệp từ chối tuyển dụng lao động nữ vì định kiến giới tính sẽ bị xử phạt như thế nào?
Thế nào là phân biệt giới tính trong tuyển dụng lao động?
Tại khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc phân biệt đối xử trong lao động như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
8. Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.
Như vậy phân biệt giới tính trong tuyển dụng lao động cũng là một dạng hình thức của phân biệt đối xử trong lao động.
Cụ thể việc phân biệt giới tính là khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên giới tính của người lao động tạo ra tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng giới về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Tuy nhiên cần lưu ý nếu việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.
Doanh nghiệp từ chối tuyển dụng lao động nữ vì định kiến giới tính sẽ bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Trong công tác tuyển dụng có buộc phải đảm bảo đối xử bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ hay không?
Tại Điều 16 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Cùng với đó, tại Điều 26 Hiến pháp 2013 cũng nêu rõ:
1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
Theo đó, công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt, đồng thời nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới, dù nam hay nữ thì cũng đều phải được đối xử công bằng trong mọi lĩnh vực đời sống, bao gồm cả lĩnh vực lao động.
Điều này được thể hiện tại quy định ở khoản 7 Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 quy định về chính sách của Nhà nước về lao động như sau:
Chính sách của Nhà nước về lao động
...
7. Bảo đảm bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên.
Từ những căn cứ trên, có thể thấy, trong công tác tuyển dụng, người sử dụng lao động buộc phải đảm bảo đối xử bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ.
Doanh nghiệp từ chối tuyển dụng lao động nữ vì định kiến giới tính sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi vận động, xúi giục người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp theo định kiến giới.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;
b) Ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới;
c) Phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập;
d) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.
4. Các hành vi vi phạm quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 125/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
1. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tại Chương II Nghị định này được quy định áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
a) Trường hợp hộ gia đình, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính thì áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân;
b) Trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới thì áp dụng mức xử phạt theo quy định của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Theo đó, đối với trường hợp doanh nghiệp từ chối tuyển dụng lao động nữ vì định kiến giới tính sẽ bị xử phạt hành chính gấp đôi mức phạt của cá nhân, mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Đồng thời, doanh nghiệp phải khôi phục lại quyền lợi hợp pháp cho lao động nữ.