Doanh nghiệp thông báo chấm dứt hợp đồng lao động thông qua hình thức nào?
Doanh nghiệp thông báo chấm dứt hợp đồng lao động thông qua hình thức nào?
Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật này.
...
Theo đó, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản khi hợp đồng lao động chấm dứt trong trường hợp sau:
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
- Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Bộ luật Lao động 2019.
- Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động 2019.
- Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Doanh nghiệp thông báo chấm dứt hợp đồng lao động thông qua hình thức nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp không thông báo chấm dứt hợp đồng lao động có bị phạt không?
Tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CPcó quy định như sau:
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật Lao động.
...
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định nêu trên chỉ là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, hành vi không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức.
Doanh nghiệp không thông báo chấm dứt hợp đồng lao động có bị phạt không? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào doanh nghiệp không phải thông báo khi chấm dứt hợp đồng lao động?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động 2019 và các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động không cần thông báo chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau:
- Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
Như vậy, theo quy định trên, có những trường hợp ngoại lệ mà không yêu cầu thông báo bằng văn bản. Những trường hợp ngoại lệ này thường phát sinh từ những tình huống đặc biệt và lỗi nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động thường được thực hiện một cách tức thì và không đòi hỏi quy trình thông báo bằng văn bản. Điều này nhằm đảm bảo tính linh hoạt và khẩn cấp, đồng thời giữ cho quy trình pháp lý nhanh chóng và hiệu quả.