Doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật được hưởng những chính sách gì?

Cho tôi hỏi doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật được hưởng những chính sách gì? Người chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng có được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng? Câu hỏi của chị Trâm (Đà Nẵng).

Người khuyết tật có những dạng khuyết tật nào?

Tại Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP có quy định:

Dạng tật
1. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
2. Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
3. Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
4. Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
5. Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
6. Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Như vậy, người khuyết tật có những dạng khuyết tật sau: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể.

Doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật được hưởng những chính sách gì?

Doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật được hưởng những chính sách gì? (Hình từ Internet)

Doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật được hưởng những chính sách gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định :

Khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc
1. Doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
2. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP có nội dung như sau:

Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật quy định tại Điều 34 Luật Người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây:
a) Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;
b) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế;
c) Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm;
d) Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật;
đ) Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.
Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
...

Như vậy, doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật được hưởng những chính sách ưu đãi sau đây:

(1) Đối với doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định:

- Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.

(2) Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định:

- Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.

(3) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật:

- Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.

- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật;

- Miễn/giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh.

Người chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng có được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng?

Tại điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 có quy định:

Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
...
2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
...

Như vậy, người chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng.

MỚI NHẤT
0 lượt xem
Bài viết mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào