Doanh nghiệp phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc trong trường hợp nào?
Người lao động thử việc trong bao lâu?
Tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thời gian thử việc
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Theo đó, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với 1 công việc và bảo đảm điều kiện:
- Không quá 180 ngày: Công việc của người quản lý doanh nghiệp;
- Không quá 60 ngày: Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
- Không quá 30 ngày: Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
- Không quá 06 ngày làm việc: Công việc khác.
Đặc biệt, thời gian thử việc trên không áp dụng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Doanh nghiệp phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc trong trường hợp nào?
Tại điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
...
Đồng thời, tại Mục 3 Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH năm 2011 có hướng dẫn như sau:
...
3. Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
...
Theo quy định trên, nếu người lao động ký hợp đồng lao động với công ty có quy định thời gian thử việc thì thời gian thử việc này vẫn nằm trong thời hạn của hợp đồng lao động.
Như vậy, nếu thời gian thử việc mà ghi trong hợp đồng lao động dài hạn hoặc trên 1 tháng thì doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH cho cả thời gian thử việc đó.
Lao động thử việc có được cấp phương tiện bảo vệ cá nhân không?
Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH có quy định:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động được quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
...
Đối chiếu với khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì đối tượng áp dụng trong việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
- Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đồng thời, tại Điều 4 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, cụ thể như sau:
Điều kiện được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân
Làm việc tiếp xúc với một trong những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại dưới đây thì được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân:
1. Tiếp xúc với yếu tố vật lý không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.
2. Tiếp xúc với bụi và hoá chất độc hại.
3. Tiếp xúc với yếu tố sinh học độc hại:
a) Vi rút, vi khuẩn độc hại gây bệnh, côn trùng có hại;
b) Phân, nước thải, rác, cống rãnh;
c) Các yếu tố sinh học độc hại khác.
4. Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động tiềm ẩn các mối nguy mất an toàn, vệ sinh lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên biển, trên sông nước, trong hầm sâu, trong không gian hạn chế, trong rừng; làm việc trong núi đá, hang đá hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác.
Như vậy, người thử việc sẽ được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định trên.