Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đóng không đầy đủ vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thì bị xử phạt như thế nào?
Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là gì?
Căn cứ Điều 66 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định:
Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước
1. Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, được hạch toán độc lập.
2. Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán và công khai kết quả hoạt động hằng năm, kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; quy định về tổ chức hoạt động của Quỹ, việc quản lý và sử dụng Quỹ, mức đóng góp vào Quỹ của doanh nghiệp, người lao động, nội dung chi, mức chi đối với các nhiệm vụ quy định tại Điều 67 của Luật này.
Như vậy, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đóng không đầy đủ vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thì bị xử phạt như thế nào?
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có nhiệm vụ gì?
Căn cứ Điều 67 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước như sau:
- Hỗ trợ đối với người lao động trong trường hợp sau đây:
+ Người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc;
+ Người lao động phải về nước trước thời hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác;
+ Người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Luật này;
+ Giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Hỗ trợ thân nhân người lao động trong trường hợp người lao động chết, bị mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
- Hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:
+ Khai thác, phát triển, ổn định thị trường lao động ngoài nước;
+ Giải quyết những rủi ro liên quan đến người lao động do mình đưa đi.
- Hỗ trợ cho hoạt động liên quan trực tiếp đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Chi phí quản lý Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đóng không đầy đủ vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thì bị xử phạt ra sao?
Theo khoản 3 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ) bị xử phạt:
...
3. Phạt tiền từ 20% đến 30% tổng số tiền phải đóng vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không quá 200.000.000 đồng khi có hành vi không đóng hoặc đóng không đầy đủ vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, mức xử phạt đối với doanh nghiệp dịch vụ là phạt tiền từ 20% đến 30% tổng số tiền phải đóng vào quỹ nhưng không quá 200.000.000 đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp dịch vụ còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 14 điều này:
Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ) bị xử phạt:
...
14. Biện pháp khắc phục hậu quả
...
b) Buộc doanh nghiệp dịch vụ đóng đủ số tiền phải đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước khi có hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
...
Theo những quy định trên, doanh nghiệp dịch vụ buộc phải đóng đầy đủ số tiền phải đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước khi có hành vi vi phạm để người lao động cũng như doanh nghiệp dịch vụ được hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo pháp luật quy định.