Doanh nghiệp có thể giữ một phần lương của người lao động để giữ chân người lao động không?
Doanh nghiệp có thể giữ một phần lương của người lao động để giữ chân người lao động không?
Căn cứ theo Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Đồng thời tại khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Theo đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải trả lương đầy đủ cho người lao động, đồng thời, không được phép yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Tức là, doanh nghiệp không được giữ một phần lương người lao động để giữ chân người lao động tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể giữ một phần lương của người lao động để giữ chân người lao động không?
Hành vi giữ lương người lao động của doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về tiền lương như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: ...; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; ... theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
...
Đồng thời căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên là đối với cá nhân. Còn doanh nghiệp thì mức phạt gấp đôi.
Theo đó, hành vi giữ một phần lương của người lao động để giữ chân người lao động ở lại làm việc là hành vi trái pháp luật.
Tùy theo số lượng người lao động bị doanh nghiệp giữ lương mà doanh nghiệp sẽ bị phạt vi phạm hành chính với số tiền tương ứng, cụ thể là:
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đồng thời, buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Doanh nghiệp có thể trả lương cho người lao động theo những hình thức nào?
Căn cứ theo Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hình thức trả lương như sau:
Hình thức trả lương
1. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, người lao động có thể nhận lương bằng tiền mặt hoặc thông qua tài khoản ngân hàng.