Doanh nghiệp có phải công khai quy chế thưởng cho người lao động biết?
Doanh nghiệp có phải công khai quy chế thưởng cho người lao động biết?
Tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó, người sử dụng lao động khi quyết định quy chế thưởng thì cần phải công bố công khai quy chế thưởng đó tại nơi làm việc.
Đối với những nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (công đoàn cơ sở hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp) thì người sử dụng lao động cần phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện trước khi quyết định và công bố quy chế thưởng.
Doanh nghiệp có phải công khai quy chế thưởng cho người lao động biết? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp không công khai quy chế thưởng sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;
b) Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;
c) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;
d) Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;
đ) Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt trên được áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân. Người sử dụng lao động là tổ chức khi vi phạm thì sẽ bị gấp 02 lần mức phạt.
Do đó, nếu doanh nghiệp không công khai quy chế thưởng cho người lao động thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Thời hiệu xử lý hành vi không công khai quy chế thưởng là bao lâu?
Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Dẫn chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
2. Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 90; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 90 hoặc kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 90; 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 90 của Luật này;
...
2. Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 90; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 90 hoặc kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 90; 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 90 của Luật này;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi không công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc là 01 năm.