Doanh nghiệp có được cho nghỉ việc đối với nhân viên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên?
Doanh nghiệp có được cho nghỉ việc đối với nhân viên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên?
Tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 có ghi nhận:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
...
e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
...
Như vậy, doanh nghiệp được phép cho nghỉ việc đối với nhân viên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
Đây là quy định mới được ban hành từ khi Bộ luật Lao động 2019 ra đời từ, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Trước đây, ở cả Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động 1994 đều không ghi nhận điều khoản này.
Có thể thấy, những trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại Bộ luật Lao động 2019 đã phần nào thể hiện sự phù hợp giữa quy định của pháp luật với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có được cho nghỉ việc đối với nhân viên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ việc đúng luật phải đảm bảo thủ tục gì?
Trong quá trình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có khả năng phải đối mặt với tranh chấp, phát sinh ngoài ý muốn. Để đảm bảo quá trình trên diễn ra thuận lợi, thực hiện đúng yêu cầu của pháp luật quy định và giảm tối đa các rủi ro.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
...
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
...
Theo đó, chỉ trường hợp người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì doanh nghiệp mới không cần báo trước cho người lao động khi cho nghỉ việc
Những trường hợp còn lại, khi cho nghỉ việc, doanh nghiệp phải báo trước cho người lao động theo nguyên tắc sau:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 - 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng và trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn.
Như vậy, chỉ khi có lý do chính đáng và thực hiện theo đúng thủ tục này thì việc cho nhân viên nghỉ việc của doanh nghiệp mới đảm bảo đúng pháp luật.
Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật phải chịu trách nhiệm gì?
Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật thì phải bồi thường tổn thất về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động. Tùy vào từng trường hợp mà mức bồi thường sẽ là khác nhau. Cụ thể:
Trường hợp 1: Nhận lại người lao động vào làm việc. Người sử dụng lao động phải:
- Trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc;
- Trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước (nếu vi phạm thời hạn báo trước);
- Trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo Hợp đồng lao động.
Trường hợp 2: Người lao động không muốn làm việc. Người sử dụng lao động phải trả:
- Các khoản tiền như ở trường hợp 1;
- Trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Trường hợp 3: Người sử dụng lao động không muốn nhận lại và được người lao động đồng ý. Người sử dụng lao động phải trả:
- Các khoản tiền ở trường hợp 2;
- Thỏa thuận về việc bồi thường thêm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo Hợp đồng lao động.