Doanh nghiệp có dự án đầu tư nước ngoài được đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài để làm việc hay không?
- Điều kiện để doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài được đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài để làm việc là gì?
- Thực hiện báo cáo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài như thế nào?
- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc cho dự án đầu tư ở nước ngoài như thế nào?
Điều kiện để doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài được đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài để làm việc là gì?
Theo quy định tại Điều 33 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 như sau:
Điều kiện của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
1. Có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
2. Có phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 34 của Luật này.
3. Chỉ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài.
Theo đó, doanh nghiệp có thể đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài để làm việc cho dự án đầu tư của mình và phải báo cáo phương án lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp có đầu tư ra nước ngoài được đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài để làm việc hay không? (Hình từ Internet)
Thực hiện báo cáo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài như thế nào?
Việc báo cáo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 như sau:
- Doanh nghiệp phải báo cáo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
+ Thời gian thực hiện báo cáo chậm nhất là 20 ngày trước ngày đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
+ Khi gửi báo cáo phương án phải kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
- Nội dung phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:
+ Việc quản lý, sử dụng người lao động ở nước ngoài, trong đó nêu rõ số lượng người lao động đưa đi, giới tính, ngành, nghề, công việc cụ thể, thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh; xử lý rủi ro, giải quyết quyền lợi, chế độ đối với người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ khác có liên quan đến người lao động;
+ Việc đưa người lao động về nước trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp sau khi nhận được phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
+ Thời hạn trả lời trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
+ Trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
- Doanh nghiệp phải cập nhật thông tin về người lao động trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc cho dự án đầu tư ở nước ngoài theo hợp đồng đã giao kết.
+ Thời hạn cập nhật trong 05 ngày làm việc kể từ ngày người lao động xuất cảnh ra nước ngoài.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc cho dự án đầu tư ở nước ngoài như thế nào?
Theo quy định tại Điều 35 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi đưa người lao động đi nước ngoài để làm việc cho dự án đầu tư của mình như sau:
- Thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng về điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, quyền lợi, chế độ của người lao động làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài.
- Tổ chức cho người lao động tham gia khóa học giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.
- Trực tiếp tổ chức đưa đi, quản lý và sử dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Thỏa thuận bằng phụ lục hợp đồng lao động với người lao động nội dung bổ sung về thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác phù hợp với phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 và quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
- Trường hợp tuyển dụng lao động mới thì phải ký kết hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo nội dung, mẫu hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và không được thu tiền dịch vụ của người lao động.
- Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động do doanh nghiệp đưa đi.
- Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
- Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo về tình hình thực hiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước mà người lao động đến làm việc để giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động làm việc ở nước ngoài; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác.