Doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động thì có tham gia giải quyết tranh chấp lao động tiếp hay không?
Doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động thì có tham gia giải quyết tranh chấp lao động tiếp hay không?
Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng
1. Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
2. Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định như sau:
a) Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;
b) Trường hợp cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng;
c) Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng.
3. Trường hợp thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
4. Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
5. Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng.
Theo đó, khi doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động thì việc tham gia tố tụng dân sự như sau:
- Nếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;
- Nếu là doanh nghiệp tư nhân hoặc các tổ chức không có pháp nhân khác thì:
+ Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tham gia tố tụng;
+ Trường hợp người đại diện theo pháp luật chết thì phải cử người khác làm đại diện, nếu không các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng.
- Nếu là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng;
Doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động thì có tham gia giải quyết tranh chấp lao động tiếp hay không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động thì hợp đồng lao động với người lao động sẽ như thế nào?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
...
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
...
Theo đó, khi doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động thì các hợp đồng lao động cũng bị chấm dứt theo.
Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì quyền lợi của người lao động giải quyết như thế nào?
Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
...
Theo đó, khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động người lao động sẽ được ưu tiên thanh toán các khoản sau:
- Tiền lương;
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
- Trợ cấp thôi việc;
- Các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Trách nhiệm thanh toán có thể được kéo dài không quá 30 ngày.