Độ tuổi lao động năm 2025 của người lao động theo Bộ luật Lao động mới nhất là bao nhiêu tuổi?
Độ tuổi lao động năm 2025 của người lao động theo Bộ luật Lao động mới nhất là bao nhiêu tuổi?
Tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau thì độ tuổi lao động tối thiểu của hầu hết các ngành nghề, công việc là 15 tuổi.
Với một số ngành nghề, công việc nhẹ nhàng thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì người sử dụng lao động được phép tuyển dụng cả những người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019.
Riêng công việc về nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người lao động dưới 13 tuổi và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý cho phép tuyển dụng thì người sử dụng lao động có thể sử dụng người lao động chưa đủ 13 tuổi để thực hiện các công việc kể trên theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi đạt 62 tuổi đối với lao động nam, và tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ.
Tính đến năm 2025, người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường sẽ có tuổi nghỉ hưu là 61 tuổi 3 tháng đối với nam và 56 tuổi 8 tháng đối với nữ.
Như vậy, độ tuổi lao động năm 2025 trong điều kiện lao động bình thường sẽ từ:
- 15 tuổi đến đủ 61 tuổi 3 tháng đối với nam;
- 15 tuổi đến đủ 56 tuổi 8 tháng đối với nữ.
Tuy nhiên, người lao động vẫn có thể tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ Luật Lao động 2019.
Độ tuổi lao động năm 2025 của người lao động theo Bộ luật Lao động mới nhất là bao nhiêu tuổi? (Hình từ Internet)
Làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại thì người lao động được nghỉ hằng năm bao nhiêu ngày?
Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
7. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Theo đó người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại thì hằng năm sẽ được nghỉ 16 ngày làm việc hưởng nguyên lương.
Có được sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại không?
Theo Điều 64 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:
Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
1. Chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;
b) Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành;
c) Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;
d) Có ít nhất một người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc;
đ) Có sự tự nguyện của người lao động cao tuổi khi bố trí công việc.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo quy định, chỉ được sử dụng người lao động cao tuổi làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm khi đáp ứng đủ những điều kiện sau:
- Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;
- Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành;
- Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;
- Có ít nhất một người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc;
- Có sự tự nguyện của người lao động cao tuổi khi bố trí công việc.