Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư là gì?
Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư là gì?
Căn cứ theo Điều 32 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012, có quy định như sau:
Hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư
1. Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:
a) Văn phòng luật sư;
b) Công ty luật.
2. Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư:
a) Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;
b) Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc.
4. Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.
5. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, các luật sư thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư không phải là thành viên của Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
Theo đó, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư như sau:
- Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;
- Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc.
Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư là gì?
Luật sư cần ứng xử như thế nào trong tổ chức hành nghề luật sư?
Căn cứ theo Quy tắc 22 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 có quy định về cách ứng xử của Luật sư như sau:
Ứng xử của luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư
22.1. Luật sư tôn trọng, cư xử đúng mực với đồng nghiệp, nhân viên trong tổ chức hành nghề luật sư.
22.2. Luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư có biện pháp hợp lý trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để đảm bảo tổ chức hành nghề luật sư, các thành viên trong tổ chức tuân thủ Bộ quy tắc; chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm trong tổ chức hành nghề luật sư nếu:
22.2.1. Yêu cầu thực hiện hành vi vi phạm hoặc đồng ý với hành vi vi phạm đã xảy ra;
22.2.2. Biết hành vi vi phạm đã xảy ra trong khi có thể tránh được hoặc giảm nhẹ hậu quả nhưng đã không có biện pháp khắc phục.
Như vậy, trong tổ chức hành nghề luật sư, luật sư cần có cách ứng xử phù hợp và tuân thủ quy tắc như trên
Đồng thời, luật sư cũng cần tuân thủ Quy tắc 25 về Quan hệ của luật sư với tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư như sau:
Luật sư có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín, chấp hành Điều lệ, nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, nội quy của Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư.
Mọi ý kiến đóng góp của luật sư với Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư phải bảo đảm sự trung thực, khách quan, mang tính chất xây dựng, góp phần vào việc phát triển tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư và nghề luật sư.
Luật sư cần tuân thủ những quy tắc chung nào?
Căn cứ theo Chương 1 Quy Tắc Chung tại Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 có quy định về quy tắc chung của nghề Luật sư như sau:
Quy tắc 1. Sứ mệnh của luật sư
Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quy tắc 2. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan
Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Quy tắc 3. Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư
3.1. Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với luật sư và nghề luật sư.
3.2. Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.
Quy tắc 4. Tham gia hoạt động cộng đồng
4.1. Luật sư luôn sẵn sàng và tích cực tham gia vào những hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội, phù hợp với nghề nghiệp của luật sư.
4.2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao.
Như vậy, là một luật sư cần phải tuân thủ 4 quy tắc chung bao gồm:
- Sứ mệnh của luật sư
- Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan
- Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư
- Tham gia hoạt động cộng đồng