Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn đang điều trị, điều dưỡng là gì?
- Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn đang điều trị, điều dưỡng là gì?
- Người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động bao nhiêu ngày khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
- Hậu quả khi người sử dụng lao động không tuân thủ quy định báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là gì?
Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn đang điều trị, điều dưỡng là gì?
Căn cứ theo Điều 37 Bô luật Lao động 2019 quy định:
Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy người sử dụng lao động không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đang trong thời gian điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền do bị tai nạn, tuy nhiên trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bô luật Lao động 2019.
Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 36 Bô luật Lao động 2019 quy định như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
...
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
...
Chiếu theo quy định trên, người sử dụng lao động chỉ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi đáp ứng điều kiện sau đây:
- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Đã điều trị 12 tháng liên tục mà chưa hồi phục;
- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 12 tới 36 tháng: Đã điều trị 06 tháng liên tục mà chưa hồi phục;
- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có xác định thời hạn dưới 12 tháng: Đã điều trị quá nửa thời hạn hơp đồng lao động mà chưa hồi phục.
Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn đang điều trị, điều dưỡng là gì?
Người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động bao nhiêu ngày khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
...
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thông báo trước với khoảng thời gian như sau:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
Ngoài ra, đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Hậu quả khi người sử dụng lao động không tuân thủ quy định báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là gì?
Căn cứ theo Điều 39 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật này.
Như vậy, nếu người sử dụng lao động không tuân thủ quy định báo trước cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ bị xem là có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Theo đó, người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 khi có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động.