Điều kiện để giảng viên cao đẳng được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là gì?
Điều kiện để giảng viên cao đẳng được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là gì?
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 35/2024/NĐ-CP, nhà giáo tại các trường cao đẳng đạt các tiêu chuẩn sau đây sẽ được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú:
- Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt;
- Thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 35/2024/NĐ-CP;
- Có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên;
- Tâm huyết, tận tụy với nghề, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách người học; có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, lĩnh vực hoặc cấp tỉnh, là tấm gương sáng, nhà giáo mẫu mực, xuất sắc tiêu biểu trong đổi mới quản lý, nuôi dạy, giảng dạy;
- Có năng lực tham mưu, tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp;
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có đóng góp vì lợi ích cộng đồng, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo; được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.
- Là tác giả của 01 sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng trong giảng dạy hoặc quản lý, có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc chủ nhiệm 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, bộ đã được nghiệm thu từ mức đạt trở lên;
- Là tác giả của 05 bài báo khoa học; chủ biên 01 giáo trình hoặc tham gia biên soạn 02 tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức;
- Có 05 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; 01 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 02 lần được tặng bằng khen theo công trạng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
Theo đó, nhà giáo giảng dạy tại các trường cao đẳng đáp ứng được những tiêu chuẩn trên sẽ đủ điều kiện được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Lưu ý: Điều kiện trên không áp dụng cho trường hợp nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Điều kiện để giảng viên cao đẳng được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là gì?
Bao lâu sẽ công bố danh sách Nhà giáo ưu tú một lần?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định:
Thời gian xét tặng, công bố danh hiệu và tổ chức trao tặng
1. Danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” được xét tặng và công bố 03 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.
2. Các bộ, ban, ngành, tỉnh, đại học quốc gia tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu cho các “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” thuộc thẩm quyền quản lý sau khi được Chủ tịch nước phong tặng.
Chiếu theo quy định trên, việc xét tặng và công bố danh sách Nhà giáo ưu tú sẽ được diễn ra 03 năm một lần vào ngày 20 tháng 11.
Sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng trong giảng dạy có khả năng nhân rộng có thể quy đổi tương đương với thành tích gì?
Căn cứ theo Bảng thành tích tương đương tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Loại thành tích | Thành tích được tính tương đương |
Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện | - Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện; - Hoặc giáo viên trung học phổ thông, 02 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường hoặc 02 lần đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường; - Hoặc giáo viên, giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề được cấp trên quản lý trực tiếp công nhận. |
Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh | - Giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh; giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh; giáo viên, giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề cấp tỉnh, bộ; giáo viên và giảng viên đoạt giải Nhất, Nhì, Ba tại các kỳ thi, cuộc thi, hội thi chuyên môn, nghiệp vụ do bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức; - Hoặc danh hiệu Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh. |
01 sáng kiến được công nhận hiệu quả áp dụng trong nuôi dạy, giảng dạy hoặc quản lý, có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh | - Giảng dạy, bồi dưỡng, huấn luyện được 01 người học, nhóm người học đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, Khuyến khích hoặc giải thưởng kỹ năng nghề trong các kỳ thi quốc tế do các bộ, ban, ngành quản lý quyết định cử người học tham gia; - Hoặc giảng dạy, bồi dưỡng, huấn luyện được 02 người học, nhóm người học đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi quốc gia do các bộ, ban, ngành quản lý tổ chức; - Hoặc tác giả 04 sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý, có khả năng nhân rộng trong ngành do Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị công nhận. |
… |
Dựa vào bảng trên, 01 sáng kiến được công nhận hiệu quả áp dụng trong nuôi dạy, giảng dạy hoặc quản lý, có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh có thể được quy đổi tương đương với các thành tích sau đây:
- Giảng dạy, bồi dưỡng, huấn luyện được 01 người học, nhóm người học đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, Khuyến khích hoặc giải thưởng kỹ năng nghề trong các kỳ thi quốc tế do các bộ, ban, ngành quản lý quyết định cử người học tham gia;
- Giảng dạy, bồi dưỡng, huấn luyện được 02 người học, nhóm người học đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi quốc gia do các bộ, ban, ngành quản lý tổ chức;
- Tác giả 04 sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý, có khả năng nhân rộng trong ngành do Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị công nhận.
Theo đó, trường hợp nhà giáo giảng dạy tại trường cao đẳng đạt được một trong các thành tích nêu trên thì được xem như đã đáp ứng tiêu chuẩn là tác giả của 01 sáng kiến được công nhận hiệu quả áp dụng trong nuôi dạy, giảng dạy hoặc quản lý, có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh.