DEV là gì? Mức lương tối thiểu hiện nay của DEV là bao nhiêu?
DEV là gì?
"DEV" là từ viết tắt của "Developer," nghĩa là lập trình viên hoặc kỹ sư phần mềm. Đây là những người sử dụng các ngôn ngữ lập trình để xây dựng, phát triển và bảo trì các chương trình, ứng dụng cho máy tính, điện thoại di động và các thiết bị khác.
Các loại Developer phổ biến:
- Frontend Developer:
+ Chịu trách nhiệm về giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX) của các ứng dụng và trang web.
+ Sử dụng các ngôn ngữ như HTML, CSS, JavaScript để tạo ra các trang web và ứng dụng hấp dẫn và dễ sử dụng.
- Backend Developer:
+ Xử lý các hoạt động phía máy chủ, bao gồm cơ sở dữ liệu, logic ứng dụng và tích hợp hệ thống.
+ Sử dụng các ngôn ngữ như Python, Java, Ruby, và PHP để xây dựng các ứng dụng mạnh mẽ và hiệu quả.
- Fullstack Developer:
+ Kết hợp cả kỹ năng của Frontend và Backend Developer.
+ Có khả năng làm việc trên toàn bộ hệ thống, từ giao diện người dùng đến cơ sở dữ liệu và logic ứng dụnghttps://itviec.com/blog/dev-la-gi/.
Kỹ năng cần có của một Developer:
- Khả năng lập trình: Thành thạo một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình.
- Tư duy logic và giải quyết vấn đề: Khả năng phân tích và giải quyết các vấn đề phức tạp.
- Làm việc nhóm: Khả năng làm việc hiệu quả trong nhóm và giao tiếp tốt.
- Tự học hỏi: Luôn cập nhật kiến thức và công nghệ mới.
- Cơ hội nghề nghiệp:
+ Công ty gia công phần mềm: Làm việc cho các công ty chuyên phát triển phần mềm theo yêu cầu của khách hàng.
+ Công ty startup công nghệ: Tham gia vào các dự án sáng tạo và phát triển sản phẩm mới.
+ Các công ty đa quốc gia: Làm việc trong môi trường quốc tế với các dự án lớn và phức tạp.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
DEV là gì? Mức lương tối thiểu hiện nay của DEV là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Mức lương tối thiểu hiện nay của DEV là bao nhiêu?
Theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo đó tiền lương của DEV là mức lương được đưa ra thông qua việc thỏa thuận với người sử dụng lao động tuy nhiên mức lương này không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng 1 | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng 2 | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng 3 | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng 4 | 3.450.000 | 16.600 |
Công ty trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Theo khoản 3, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Lưu ý: Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp là tổ chức thì áp dụng mức phạt sẽ gấp đôi.
Như vậy mức xử phạt hành chính đối với trường hợp công ty có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Ngoài ra thì công ty còn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.