Bệnh Sởi là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết bệnh Sởi ở người lớn hiện nay? NLĐ bị bệnh Sởi nghỉ việc có được hưởng chế độ ốm đau không?
Bệnh sởi là gì? Dấu hiệu nhận biết bệnh Sởi ở người lớn hiện nay?
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Sởi thuộc chi Morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh có đặc tính lây lan mạnh qua đường hô hấp, khi người lành hít phải các giọt nước bọt chứa virus của người bệnh.
Chính vì vậy, dù đã có vắc-xin phòng bệnh nhưng số người mắc Sởi vẫn có xu hướng gia tăng hàng năm, chủ yếu là ở trẻ em và người lớn chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ số mũi.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Sởi ở người lớn:
Khi đã bị nhiễm virus sởi, thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài trong khoảng từ 7-14 ngày. Sau thời gian này, những dấu hiệu phổ biến của bệnh sẽ xuất hiện. Các triệu chứng bệnh sởi thường gặp ở người lớn là:
Sốt cao, mệt mỏi, đau đầu: Sốt cao thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi. Cơn sốt có thể sẽ kéo dài khoảng 4-7 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể phát triển thêm các triệu chứng khác.
Viêm đường hô hấp: đau họng, ho khan (không có đờm), ngạt mũi, sổ mũi.
Viêm kết mạc mắt: đỏ mắt, cộm mắt, chảy nước mắt, sưng nề mi mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
Phát ban sau 3-4 ngày bị sốt cao: Các nốt ban mọc trên da theo thứ tự: sau tai, sau gáy, mặt, trán, cổ, rồi lan dần xuống thân mình (ngực, bụng), ra đến tứ chi (tay, chân, gan bàn tay, lòng bàn chân). Khi ban mọc hết toàn thân thì các cơn sốt cũng giảm.
Ngoài ra, sự xuất hiện của những hạt màu trắng mang tên Koplik cũng là một dấu hiệu bệnh sởi ở cả người lớn lẫn trẻ em. Koplik có kích thước 0.5-1mm, thường mọc trong khoang miệng, niêm mạc má của người bệnh và 2-3 ngày sau khi xuất hiện Koplik, cơ thể người bệnh sẽ bắt đầu phát ban.
*Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Sởi ở người lớn hiện nay? Người lao động bị bệnh Sởi có được hưởng chế độ ốm đau không?
Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là có nguy cơ rất cao mắc bệnh Sởi có đúng không?
Căn cứ tại Mục 1 Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2024 ban hành kèm theo Quyết định 2495/QĐ-BYT năm 2024 có nêu như sau:
- Từ đầu năm 2024 đến ngày 11/8/2024, theo báo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, cả nước ghi nhận 1.695 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (676 trường hợp xác định dương tính); so với cùng kỳ năm 2023 (246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi/30 trường hợp xác định dương tính), số trường hợp sốt phát ban nghi sởi cao hơn 6,9 lần, số trường hợp xác định dương tính cao hơn 22,5 lần.
- Kết quả đánh giá nguy cơ sởi tại 63 tỉnh thành theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 7 tỉnh có nguy cơ rất cao; trong đó miền Bắc có 01 tỉnh Hà Tĩnh và miền Nam có 06 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang). Bên cạnh đó, 7 tỉnh được đánh giá có nguy cơ cao gồm miền Trung có 1 tỉnh (Quảng Nam), Tây Nguyên có 2 tỉnh (Gia Lai, Đắk Lắk) và miền Nam có 4 tỉnh, thành phố (Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau). Ngoài ra, còn có 9 tỉnh nguy cơ trung bình và 40 tỉnh nguy cơ thấp. Tại thời điểm hiện tại, số trường hợp sởi đã tăng lên so với thời điểm tiến hành đánh giá nguy cơ.
- Căn cứ đặc điểm dịch tễ học, tình hình dịch bệnh Sởi hiện nay, khuyến cáo, khả năng hỗ trợ vắc xin của WHO, ý kiến thống nhất của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế, đề xuất về đối tượng, nhu cầu vắc xin Sởi-Rubella của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2024.
Theo đó, kết quả đánh giá nguy cơ sởi tại 63 tỉnh thành theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 7 tỉnh có nguy cơ rất cao, trong đó có Tp.Hồ Chí Minh được đánh giá là thành phố cơ nguy cơ rất cao mắc bệnh Sởi hiện nay.
Người lao động bị bệnh Sởi nghỉ việc có được hưởng chế độ ốm đau không?
Căn cứ theo Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Đồng thời, theo Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:
a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:
a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.
b) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo đó, người lao động bị bệnh Sởi phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế thì được hưởng chế độ ốm đau.
Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động bị bệnh Sởi trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương thì sẽ không được hưởng chế độ ốm đau.