Đánh giá xếp loại chất lượng công chức viên chức, người lao động của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo nguyên tắc nào?
Đánh giá xếp loại chất lượng công chức viên chức, người lao động của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo nguyên tắc nào?
Theo Điều 2 Quy chế kèm theo Quyết định 3086/QĐ-BGDĐT năm 2024 quy định thì nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng đơn vị và công chức viên chức, người lao động của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
- Việc đánh giá, xếp loại chất lượng đơn vị, công chức, viên chức được thực hiện theo năm công tác; bảo đảm đúng thẩm quyền, khách quan, công bằng, chính xác. Đơn vị, công chức, viên chức phải hoàn thành bản tự đánh giá mới được đánh giá, xếp loại chất lượng. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức họp đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý.
Công chức, viên chức nghỉ thai sản, nghỉ ốm, được cử đi học tập, nghiên cứu trong nước hoặc nước ngoài và các trường hợp vắng mặt khác tại cuộc họp đánh giá, xếp loại chất lượng do cơ quan, đơn vị quy định hình thức phù hợp.
- Đánh giá xếp loại hoạt động công tác chuyên môn của tập thể cấp dưới trước, cấp trên sau; tập thể lãnh đạo, quản lý trước, cá nhân thành viên sau. Sau khi hoàn thành đánh giá, xếp loại chất lượng các đơn vị thì đánh giá, xếp loại chất lượng đối với người đứng đầu.
- Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao, ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương và kết quả thực hiện nhiệm vụ, tiến độ và chất lượng công việc, số lượng công việc được giao theo kế hoạch; nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất; mức độ khó khăn, phức tạp, yêu cầu về trình độ chuyên môn của công việc và các yếu tố khách quan khác.
Các nhiệm vụ được giao không hoàn thành hoặc chậm tiến độ do yếu tố khách quan, bất khả kháng và được cấp có thẩm quyền xác nhận thì được xem xét khi đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị hoặc cá nhân.
Việc đánh giá, xếp loại chất lượng công chức lãnh đạo, quản lý; viên chức quản lý phải căn cứ vào kết quả hoạt động của đơn vị, lĩnh vực được giao lãnh đạo, quản lý, phụ trách.
Mức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức viên chức đối với người đứng đầu không được cao hơn mức đánh giá, xếp loại chất lượng của đơn vị do mình đứng đầu (trò trường hợp người đứng đầu chuyển đến dưới 06 tháng thì không phải căn cứ vào mức đánh giá, xếp loại chất lượng của đơn vị).
Công chức, viên chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đủ 06 tháng tính đến thời điểm đánh giá, xếp loại thì thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng theo vị trí trước khi được bổ nhiệm, không đánh giá, xếp loại chất lượng theo chức vụ mới được bổ nhiệm.
Trường hợp công chức, viên chức kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý thì đơn vị nơi công chức, viên chức kiêm nhiệm có trách nhiệm gửi nhận xét, đánh giá về đơn vị công tác chính để làm căn cứ đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định.
- Công chức viên chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.
- Công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng, việc đánh giá, xếp loại chất lượng căn cứ vào kết quả học tập, nhận xét của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, báo cáo kết quả học tập định kỳ và thời gian làm việc thực tế tại đơn vị trong năm (nếu có).
Công chức, viên chức được cử biệt phái thì đánh giá, xếp loại chất lượng tại đơn vị nơi được cử đến.
- Công chức, viên chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
- Công chức viên chức nghỉ ốm với tổng thời gian trong năm từ 03 tháng trở lên hoặc nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.
- Đối với công chức, viên chức chuyển công tác thì đơn vị mới có trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng. Trường hợp có thời gian công tác ở đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên thì phải kết hợp với ý kiến nhận xét của đơn vị cũ (trừ trường hợp không còn đơn vị cũ).
- Kết quả đánh giá xếp loại chất lượng công chức, viên chức được sử dụng làm căn cứ để liên thông đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
- Trường hợp công chức, viên chức có khuyết điểm, vi phạm xảy ra ở đơn vị cũ nhưng bị xử lý kỷ luật và thi hành kỷ luật ở đơn vị mới chuyển đến thì tính vào kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng của đơn vị cũ (không quy trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị mới).
Trường hợp công chức, viên chức có khuyết điểm, vi phạm xảy ra ở cả đơn vị cũ và đơn vị mới, bị xử lý kỷ luật và thi hành kỷ luật ở đơn vị cũ và đơn vị mới chuyển đến thì tính hình thức kỷ luật vào kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng theo thời điểm xác định hành vi vi phạm tại mỗi đơn vị.
Công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.
Trường hợp công chức viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.
- Cấp có thẩm quyền xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng đơn vị, công chức, viên chức "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá 20% tổng số đơn vị, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ tương đồng.
Trường hợp đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của công chức, viên chức phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức.
- Những đơn vị có dưới 05 đơn vị cấu thành được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” thì được chọn 01 đơn vị xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nếu đủ điều kiện theo quy định.
Tải ngay phiếu đánh giá xếp loại viên chức mới nhất: Tại đây.
Đánh giá xếp loại chất lượng công chức viên chức, người lao động của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo nguyên tắc nào? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền đánh giá xếp loại chất lượng đối với viên chức?
Theo khoản 3 Điều 3 Quy chế kèm theo Quyết định 3086/QĐ-BGDĐT năm 2024 quy định thẩm quyền đánh giá xếp loại chất lượng đối với viên chức bao gồm:
- Bộ trưởng thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức quản lý là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ do Bộ trưởng bổ nhiệm.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức đối với chủ tịch hội đồng trường/chủ tịch hội đồng đại học, hiệu trưởng/giám đốc.
Hội đồng trường/hội đồng đại học đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức đối với phó hiệu trưởng/phó giám đốc cơ sở giáo dục đại học, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có).
- Người đứng đầu Cục, Văn phòng, Thanh tra thực hiện việc đánh giá đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị cấu thành trực thuộc Cục, Văn phòng, Thanh tra (nếu có).
- Người đứng đầu các đơn vị sử dụng viên chức (không phải là Cục, Văn phòng, Thanh tra) thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức thuộc quyền quản lý hoặc phân công, phân cấp việc đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Thẩm quyền đánh giá xếp loại chất lượng đối với công chức?
Theo khoản 2 Điều 3 Quy chế kèm theo Quyết định 3086/QĐ-BGDĐT năm 2024 thẩm quyền đánh giá xếp loại chất lượng đối với công chức như sau:
- Bộ trưởng thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đối với Thứ trưởng và người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ.
- Người đứng đầu các đơn vị sử dụng công chức thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng công chức đối với cấp phó của người đứng đầu và công chức thuộc quyền quản lý.