Dân chủ là gì? Các hình thức dân chủ ra sao? Chính sách của nhà nước để đảm bảo sự dân chủ trong quan hệ lao động thế nào?
Dân chủ là gì?
Hiện nay Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật khác chưa có quy định cụ thể về khái niệm dân chủ tuy nhiên có thể hiểu dân chủ là một hình thức tổ chức chính trị trong đó toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền lực này được thực hiện trực tiếp bởi nhân dân hoặc thông qua các đại diện do nhân dân bầu ra. Dân chủ thừa nhận các nguyên tắc bình đẳng, tự do và quyền con người, đảm bảo rằng mọi thành viên trong xã hội đều có quyền ngang nhau khi tham gia vào quá trình ra quyết định.
- Các hình thức dân chủ:
+ Dân chủ trực tiếp: Nhân dân trực tiếp tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của nhà nước.
+ Dân chủ gián tiếp: Nhân dân bầu ra các đại diện để thay mặt họ tham gia vào quá trình ra quyết định và quản lý nhà nước.
- Các yếu tố chính của chế độ dân chủ:
+ Bầu cử tự do và công bằng: Hệ thống chính trị cho phép lựa chọn và thay thế các chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng.
+ Tham gia tích cực của công dân: Công dân tham gia tích cực vào chính trị và đời sống dân sự.
+ Bảo vệ quyền con người: Quyền con người của mọi công dân được bảo vệ.
+ Pháp quyền: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Dân chủ là một khái niệm phát triển qua thời gian và có nhiều hình thức khác nhau, nhưng cốt lõi vẫn là quyền lực thuộc về nhân dân và được thực hiện vì lợi ích của nhân dân.
Thông tin mang tính chất tham khảo
Dân chủ là gì? Các hình thức dân chủ ra sao? Chính sách của nhà nước để đảm bảo sự dân chủ trong quan hệ lao động thế nào? (Hình từ Internet)
Chính sách của nhà nước để đảm bảo sự dân chủ trong quan hệ lao động thế nào?
Theo Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Chính sách của Nhà nước về lao động
1. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội.
3. Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; áp dụng một số quy định của Bộ luật này đối với người làm việc không có quan hệ lao động.
...
Theo đó nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội.
Ngoài ra còn có các chính sách của nhà nước để đảm bảo sự dân chủ trong quan hệ lao động như sau:
- Người lao động có các quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động (điểm c khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019).
- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (điểm b khoản 1 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019).
- Chính phủ quy định rõ việc tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (khoản 4 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019).
- Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký được tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp 2013, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch (khoản 1 Điều 172 Bộ luật Lao động 2019).
Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động?
Theo Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động gồm:
- Phân biệt đối xử trong lao động.
- Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.