Đã mua bảo hiểm tai nạn con người 24/24 cho người lao động thì có cần trả trợ cấp hay bồi thường khi người lao động bị tai nạn lao động không?
Bảo hiểm tai nạn con người 24/24 là gì?
Bảo hiểm tai nạn con người 24/24 là bảo hiểm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ các khoản phí liên quan khi người lao động hay người được bảo hiểm gặp rủi ro tai nạn trên lãnh thổ Việt Nam như: Chi phí y tế; Vận chuyển cấp cứu; Trợ cấp khi nằm viện; Chi phí phẫu thuật,... Bảo hiểm tai nạn con người 24/24 thuộc loại hình bảo hiểm sức khỏe theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Theo khoản 15 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có nêu: Bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe.
Đã mua bảo hiểm tai nạn con người 24/24 cho người lao động thì có cần trả trợ cấp hay bồi thường khi người lao động bị tai nạn lao động không? (Hình từ Internet)
Hợp đồng bảo hiểm tai nạn con người 24/24 có những nội dung chủ yếu nào?
Theo Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì một hợp đồng bảo hiểm nói chung, bao gồm các loại hợp đồng bảo hiểm sức khỏe như bảo hiểm tai nạn con người 24/24 sẽ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
- Đối tượng bảo hiểm;
- Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
- Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;
- Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
- Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
- Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
Công ty có mua bảo hiểm tai nạn con người 24/24 thì có cần trả trợ cấp, bồi thường khi người lao động bị tai nạn lao động không?
Căn cứ khoản 3 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động
…
3. Trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 của Luật này, thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 của Luật này.
Dẫn chiếu theo khoản 4, khoản 5 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có nêu:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
…
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;
10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
11. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 3, 4 và 5 Điều này.
Như vậy, theo các quy định trên thì khi người lao động đã mua bảo hiểm tai nạn con người 24/24 và nếu xảy ra tai nạn lao động thì:
- Người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 38 Luật này.
- Đối với khoản bồi thường hoặc trợ cấp thì: người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng mà công ty đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm.
Trường hợp bảo hiểm trả cho người lao động mức tiền thấp hơn mức quy định thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp.