Công ty yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng có bị phạt không?
Hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng có yêu cầu thử việc không?
Căn cứ theo Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Theo đó, pháp luật quy định không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Do đó, khi giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì không có yêu cầu thử việc.
Công ty yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng có bị phạt không? (Hình từ Internet)
Công ty yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng có bị phạt không?
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thử việc
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;
b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
Và căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, người sử dụng lao động yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân. Còn đối với công ty vi phạm thì sẽ phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Ngoài ra, công ty buộc phải trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.
Giao kết hợp đồng lao động dưới 01 tháng bằng lời nói được không?
Căn cứ theo Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.
Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về hình thức hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng lao động dưới 01 tháng thì người sử dụng lao động và người lao động có thể giao kết bằng lời nói, trừ các trường hợp sau:
- Giao kết hợp đồng lao động đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động)
- Giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó (vì trường hợp này phải giao kết bằng văn bản);
- Giao kết hợp đồng lao động với lao động là người giúp việc gia đình (vì trường hợp này phải giao kết bằng văn bản).