Công ty không chốt sổ BHXH cho người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có đúng luật không?
Thủ tục chốt sổ BHXH là gì?
Thủ tục chốt sổ BHXH là một cách nói khác của việc hoàn thành xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN của người lao động khi người lao động dừng đóng BHXH tại nơi mình đang làm việc do chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, đủ tuổi nghỉ hưu,...
Theo đó, ngày chốt sổ BHXH sẽ làm căn cứ để tính toán các chế độ BHXH cho người lao động. Ngoài ra việc chốt sổ BHXH còn giúp người lao động kiểm tra lại quá trình đóng BHXH của mình và giúp cơ quan BHXH dễ dàng quản lý dữ liệu về người tham gia BHXH.
Có thể thấy, chốt sổ BHXH là một thủ tục quan trọng đối với người lao động. Do đó, người lao động cần lưu ý thực hiện đúng quy trình và thủ tục chốt sổ BHXH để đảm bảo quyền lợi của mình.
*Thông tin mang tính chất tham khảo.
Công ty không chốt sổ BHXH cho người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có đúng luật không?
Công ty không chốt sổ BHXH cho người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có đúng luật không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
...
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng có quy định:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động
...
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
..
Chiếu theo quy định trên, có thể thấy trách nhiệm chốt sổ BHXH là của người sử dụng lao động .
Do đó, người sử dụng lao động bắt buộc phải hoàn thành việc chốt sổ BHXH với cơ quan BHXH và trả sổ BHXH, các loại giấy tờ mà người sử dụng lao động đã giữ của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, pháp luật chỉ quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chốt sổ BHXH cho người lao động trong tháng người lao động nghỉ việc, không phân biệt người lao động nghỉ việc vì lý do gì.
Vì thế, dù người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị kỷ luật đuổi việc, mất việc hoặc nghỉ việc đúng pháp luật thì người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm phải chốt BHXH cho người lao động.
Như vậy, trường hợp công ty không chốt sổ BHXH cho người lao động vì lý do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là chưa đúng với quy định của pháp luật.
Theo đó, công ty có thể bị xử phạt hành chính nếu không hoàn thành việc chốt sổ BHXH cho người lao động.
Công ty không chốt sổ BHXH cho người lao động bị xử phạt thế nào?
Căn cứ khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
...
b) Buộc người sử dụng lao động hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 2 Điều này;
...
Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH (chốt sổ BHXH) và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền như sau:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng: đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối: với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối: với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Lưu ý: Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị buộc phải hoàn thành thủ tục chốt sổ BHXH và trả trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động cho người lao động để khắc phục hậu quả.