Công ty chấm dứt hợp đồng lao động vì công nhân tự ý bỏ về có được không?
Việc công nhân tự ý bỏ về vì bất mãn do công ty không chịu tăng lương, có đúng luật?
Tại Điều 33 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Theo đó, tiền lương là một trong những nội dung của hợp đồng lao động, do đó nếu hai bên không thỏa thuận được về việc tăng lương thì về nguyên tắc hai bên phải tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động hay thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Như vậy, việc công nhân tự ý bỏ về vì bất mãn do công ty không chịu tăng lương là không đúng luật.
Công ty chấm dứt hợp đồng lao động vì công nhân tự ý bỏ về có được không? (Hình từ Internet)
Công ty chấm dứt hợp đồng lao động vì công nhân tự ý bỏ về có được không?
Như đã nêu trên, việc công nhân tự ý bỏ về vì bất mãn do công ty không chịu tăng lương là không đúng luật. Công ty có thể căn cứ vào số ngày nghỉ của công nhân để tính là ngày nghỉ không phép để trừ lương, hoặc xử lý kỷ luật.
Trường hợp công nhân tự ý nghỉ không phép hoặc bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng, thì người sử dụng lao động được quyền áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với công nhân này theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.
Tuy nhiên, việc công ty chấm dứt hợp đồng với người lao động ngay sau khi người lao động đó tự ý bỏ về thì cũng không đúng. Bởi lẽ, việc cho nhân viên nghỉ việc không thể thực hiện bừa bãi theo ý chí chủ quan của phía người sử dụng lao động mà phải đảm bảo được thực hiện theo đúng với trình tự, thủ tục pháp luật đã quy định chứ không phải muốn cho nghỉ việc là sẽ thực hiện ngay được.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
....
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, nếu muốn cho công nhân nghỉ việc thì công ty cần phải báo trước:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động từ 12 tháng đến 36 tháng.
- Ít nhất 03 ngày đối với hợp đồng lao động dưới 12 tháng.
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, nếu rơi vào một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì khi cho công nhân nghỉ việc, công ty sẽ không cần phải báo trước.
Người lao động có được bồi thường khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hay không?
Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật buộc phải nhận lại người lao động, đồng thời phải bồi thường cho người lao động những khoản tiền sau:
- Trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc.
- Trả thêm ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động.
Nếu người lao động không muốn làm việc tại doanh nghiệp đó nữa thì ngoài 02 khoản tiền được bồi thường trên, người lao động còn được trả trợ cấp thôi việc.