Công đoàn cơ sở nơi tạm dừng đóng kinh phí công đoàn có được hỗ trợ không?
Công đoàn cơ sở nơi tạm dừng đóng kinh phí công đoàn có được hỗ trợ không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 31 Luật Công đoàn 2024 quy định như sau:
Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn
...
2. Tài chính công đoàn được sử dụng cho các nhiệm vụ sau đây:
a) Thực hiện hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định;
b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc cho đoàn viên công đoàn, người lao động;
c) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, khó khăn, hoạn nạn; tổ chức hoạt động chăm lo khác đối với đoàn viên công đoàn và người lao động;
d) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và xây dựng Công đoàn vững mạnh;
đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn;
e) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn chủ trì hoặc phối hợp phát động;
g) Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, du lịch cho đoàn viên công đoàn và người lao động;
h) Khen thưởng, động viên người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
i) Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê; công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên công đoàn, người lao động theo quy định của pháp luật;
k) Hoạt động bảo đảm bình đẳng giới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn;
l) Nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tổ chức Công đoàn;
m) Chi quản lý hành chính để phục vụ hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp, hoạt động hợp tác quốc tế của Công đoàn;
n) Trả lương, phụ cấp và các khoản phải nộp theo lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp hoạt động cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
o) Hỗ trợ cho cán bộ công đoàn không chuyên trách trong thời gian gián đoạn việc làm, không thể trở lại làm công việc cũ do bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật;
p) Hỗ trợ công đoàn cơ sở nơi được miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn quy định tại Điều 30 của Luật này để chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động;
q) Hoạt động xã hội do Công đoàn chủ trì hoặc phối hợp.
...
Theo đó, công đoàn cơ sở nơi tạm dừng đóng kinh phí công đoàn theo quy định thì được hỗ trợ để chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động; nguồn đảm bảo hỗ trợ là tài chính công đoàn.
Công đoàn cơ sở nơi tạm dừng đóng kinh phí công đoàn có được hỗ trợ không? (Hình từ Internet)
Công đoàn cơ sở được hiểu thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Công đoàn 2024 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức Công đoàn theo quy định của pháp luật, quy định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc công đoàn cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương và tương đương công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
3. Nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp những người làm việc không có quan hệ lao động, cùng ngành, nghề hoặc những người lao động đặc thù khác, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
4. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là một cấp trong hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, trực tiếp thực hiện quyền công nhận và chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
...
Theo đó, công đoàn cơ sở được hiểu là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc công đoàn cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương và tương đương công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Người lao động nước ngoài được gia nhập công đoàn cơ sở không?
Căn cứ theo Điều 5 Luật Công đoàn 2024 quy định như sau:
Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
1. Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
3. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì được gia nhập công đoàn cơ sở.
Lưu ý: Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025.