Công điện 8438: Ứng phó bão số 8 TORAJI đang tiến vào Biển Đông thế nào? Người lao động có được nghỉ làm tránh bão số 8 không?
Công điện 8438: Ứng phó bão số 8 TORAJI đang tiến vào Biển Đông thế nào?
>>> Xem Công điện 8438/CĐ-BNN-ĐĐ: Tải về.
Ngày 10/11/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BNNPTNT) đã có Công điện 8438/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó bão TORAJI gần Biển Đông.
Công điện 8438/CĐ-BNN-ĐĐ nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cơn bão TORAJI đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippin); dự báo ngày 12/11 bão đi vào biển Đông với cường độ cấp 9, giật cấp 11.
Theo đó, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận thực hiện các việc sau đây:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Từ Vĩ tuyến 16,5-21,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 119,0 độ Kinh Đông; trong 48 giờ tới: Từ Vĩ tuyến 15,0-21,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh theo các bản tin dự báo).
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
- Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó diễn biến của bão.
- Trực ban nghiêm túc (24/24 giờ), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Công điện 8438: Ứng phó với bão số 8 TORAJI đang tiến vào Biển Đông thế nào? Người lao động có được nghỉ làm tránh bão số 8 không?
Người lao động có được nghỉ làm tránh bão số 8 không?
Người lao động có thể sử dụng phép năm (được hưởng lương) hoặc xin nghỉ việc riêng (có thể hưởng lương hoặc không) để nghỉ làm do bão số 8 TORAJI nếu không có quyết định nghỉ của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của người sử dụng lao động.
Căn cứ theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp người lao động được nghỉ làm do bão số 8 theo quyết định của cơ quan nhà nước thì sẽ được nhận lương ngừng việc theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: Tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên: Tiền lương ngừng việc do 02 bên thỏa thuận, tuy nhiên cần bảo đảm lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng hiện nay là:
- Vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng; 23.800 đồng/giờ.
- Vùng 2 là 4.410.000 đồng/tháng; 21.200 đồng/giờ.
- Vùng 3 là 3.860.000 đồng/tháng; 18.600 đồng/giờ.
- Vùng 4 là 3.450.000 đồng/tháng; 16.600 đồng/giờ.
>> Tra cứu từng khu vực để biết thuộc vùng mấy: Tại đây.
Thời gian ban hành bản tin dự báo bão là khi nào?
Căn cứ Điều 9 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg, thời gian ban hành bản tin dự báo bão mới nhất được xác định như sau:
(1) Tin bão gần Biển Đông: được ban hành khi bão hoạt động ở ngoài Biển Đông và có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 48 giờ tới.
(2) Tin bão trên Biển Đông: được ban hành khi bão hoạt động trên Biển Đông và chưa có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.
(3) Tin bão khẩn cấp: được ban hành khi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.
(4) Tin bão trên đất liền: được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:
- Tâm bão đã đi vào đất liền Việt Nam và sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên.
- Tâm bão đã đi vào các nước lân cận, nhưng sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong 24 giờ đến 48 giờ tới.
(5) Tin nhanh về bão: được ban hành khi phát tin bão khẩn cấp hoặc những trường hợp bão diễn biến phức tạp.
(6) Tin cuối cùng về bão: được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:
- Bão đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
- Bão đã đổ bộ vào các nước lân cận hoặc ra khỏi lãnh thổ, không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
- Bão đã di chuyển ra ngoài Biển Đông và không có khả năng quay trở lại Biển Đông.
(7) Tin sóng lớn, nước dâng do bão: được ban hành ngay khi phát tin bão khẩn cấp.
Theo Điều 3 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg, các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin bao gồm:
- Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực vùng biển phía Tây kinh tuyến 120° Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05° Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23° Bắc (sau đây gọi là Biển Đông, Phụ lục I Quyết định này) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào khu vực Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới.
- Mưa lớn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; lũ trên các sông thuộc lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan (Phụ lục II Quyết định này); ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam.
- Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán trên lãnh thổ Việt Nam.
- Gió mạnh trên Biển Đông; sương mù trên Biển Đông và trên đất liền Việt Nam.
- Nước dâng trên vùng biển ven bờ và đảo của Việt Nam.
- Lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối trên lãnh thổ Việt Nam.
- Cháy rừng do tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam.
- Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.
- Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.
- Sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.