Công chứng viên bắt buộc tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên?
Pháp luật quy định tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 39 Luật Công chứng 2014 quy định:
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên
1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng; tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 29/2015/NĐ-CP có quy định thêm như sau:
Hội công chứng viên
1. Ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập một Hội công chứng viên là tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh của các công chứng viên hành nghề trên địa bàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 của Luật Công chứng.
Hội công chứng viên được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật Công chứng, Nghị định này và Điều lệ Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của công chứng viên.
Hội công chứng viên có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Như vậy tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên hoạt động với danh nghĩa Hội công chứng viên có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hội cồn chứng viên được thành lập tại các tỉnh thành và thành phố trực thuộc trung ương trên khắp cả nước.
Công chứng viên bắt buộc tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên?
Công chứng viên bắt buộc tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng 2014 thì công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây:
Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên
...
2. Công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;
b) Hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng;
c) Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;
d) Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;
đ) Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
e) Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm;
g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh;
h) Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên;
i) Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm công chứng viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên;
k) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo quy định trên thì việc công chứng viên tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp là nghĩa vụ phải tham gia.
Công chứng viên không tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên thì bị phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt với hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng như sau:
Hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định;
b) Công chứng không đúng thời hạn quy định;
c) Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;
d) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
đ) Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng;
e) Không dùng tiếng nói hoặc chữ viết là tiếng Việt;
g) Không tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên;
h) Hướng dẫn nhiều hơn 02 người tập sự tại cùng một thời điểm;
i) Hướng dẫn tập sự khi không đủ điều kiện theo quy định;
k) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của người hướng dẫn tập sự theo quy định;
l) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có phiếu yêu cầu công chứng;
m) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp thành phần hồ sơ có giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung;
n) Từ chối hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng không có lý do chính đáng.
Như vậy trường hợp công chứng viên không tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp thì có thể bị phạt tiền lên tới 7.000.000đ.