Công chức, viên chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài phải gửi báo cáo kết quả học tập trong thời gian nào?
Công chức, viên chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài phải gửi báo cáo kết quả học tập trong thời gian nào?
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 03/2023/TT-BNV quy định như sau:
Trách nhiệm, nhiệm vụ của trưởng đoàn và cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài
1. Trách nhiệm, nhiệm vụ của trưởng đoàn:
a) Phụ trách và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của đoàn trong thời gian học tập ở nước ngoài.
b) Thay mặt đoàn giao dịch với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài (nếu cần).
c) Theo dõi và bảo đảm chương trình, nội dung, kế hoạch học tập, nghiên cứu của đoàn được thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký.
d) Quản lý học viên của đoàn.
đ) Ký, gửi báo cáo việc thực hiện kế hoạch và kết quả học tập của đoàn sau khi khóa bồi dưỡng kết thúc đến cơ quan có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm và nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài:
a) Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định về quản lý đoàn và cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; tuân thủ sự chỉ đạo của trưởng đoàn.
b) Chấp hành luật pháp, tôn trọng phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của nước đến học tập, nội quy của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và cơ sở lưu trú.
c) Báo cáo kết quả học tập theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư này.
Theo đó, công chức, viên chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài có trách nhiệm và nhiệm vụ phải gửi báo cáo kết quả học tập.
Căn cứ theo Điều 12 Thông tư 03/2023/TT-BNV quy định như sau:
Chế độ báo cáo
...
2. Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày đoàn về nước, báo cáo của học viên phải được gửi về các cơ quan sau:
a) Cơ quan quyết định thành lập đoàn.
b) Cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày đoàn về nước, báo cáo của đoàn được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan theo quy định tại khoản 2 Điều này (trừ các nội dung bí mật nhà nước theo quy định).
4. Hằng năm, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài (nếu có) về Bộ Nội vụ.
Như vậy, công chức, viên chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài phải gửi báo cáo kết quả học tập kể từ ngày đoàn về nước và chậm nhất là 15 ngày.
Công chức, viên chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài phải gửi báo cáo kết quả học tập trong thời gian nào? (Hình từ Internet)
Báo cáo kết quả học tập của công chức, viên chức bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 03/2023/TT-BNV quy định như sau:
Báo cáo kết quả học tập
1. Báo cáo kết quả học tập của đoàn gồm những nội dung chính sau:
a) Thành phần đoàn.
b) Khái quát tình hình nước đến học tập.
c) Nội dung, thời gian, chương trình khóa bồi dưỡng.
d) Công tác tổ chức của khóa bồi dưỡng, tình hình chấp hành các quy định của học viên, của đoàn.
đ) Kết quả thực hiện và nhận xét, đánh giá về nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian khóa bồi dưỡng.
e) Những nội dung tiếp thu và kinh nghiệm rút ra từ khóa bồi dưỡng.
g) Đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài.
2. Báo cáo kết quả học tập của học viên gồm những nội dung chính sau:
a) Họ tên, năm sinh.
b) Chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị công tác, số điện thoại liên lạc; địa chỉ thư điện tử.
c) Kết quả thực hiện và nhận xét, đánh giá về nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian và công tác tổ chức khóa bồi dưỡng.
d) Những kiến thức, kinh nghiệm đã tiếp thu và đề xuất vận dụng vào công tác chuyên môn, quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị đang công tác.
đ) Các ý kiến góp ý về công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài.
Như vậy, báo cáo kết quả học tập của công chức, viên chức bao gồm những nội dung sau:
- Họ tên, năm sinh.
- Chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị công tác, số điện thoại liên lạc; địa chỉ thư điện tử.
- Kết quả thực hiện và nhận xét, đánh giá về nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian và công tác tổ chức khóa bồi dưỡng.
- Những kiến thức, kinh nghiệm đã tiếp thu và đề xuất vận dụng vào công tác chuyên môn, quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị đang công tác.
- Các ý kiến góp ý về công tác bồi dưỡng công chức, viên chức ở nước ngoài.
Bồi dưỡng công chức, viên chức dựa trên những nguyên tắc gì?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định như sau:
- Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
- Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của công chức, viên chức.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.