Còn bao nhiêu ngày chủ nhật nữa đến Tết 2025? Người lao động được nghỉ tết vào ngày bao nhiêu?
Còn bao nhiêu ngày chủ nhật nữa đến Tết 2025?
Hôm nay là thứ hai, ngày 16/12/2024. Theo đó tính từ thời điểm này đến Tết 2025 còn trải qua số ngày chủ nhật như sau:
Tết Dương lịch 2025: 02 ngày chủ nhật
Đây là dịp để mọi người chào đón năm mới với những hoạt động như bắn pháo hoa, tổ chức tiệc tùng và các sự kiện đếm ngược. Tết Dương Lịch mang tính chất hiện đại và quốc tế, là thời điểm để nghỉ ngơi và bắt đầu một năm mới với nhiều hy vọng và kế hoạch mới.
Tết Âm lịch 2025: 06 ngày chủ nhật
Tết Âm Lịch, hay Tết Nguyên Đán, là dịp lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Tết Nguyên Đán thường diễn ra vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 dương lịch, tùy thuộc vào lịch âm. Đây là thời điểm để gia đình sum họp, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Các phong tục trong dịp Tết Âm Lịch bao gồm cúng ông Công ông Táo, gói bánh chưng, bánh tét, và chúc Tết.
Lưu ý: thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Còn bao nhiêu ngày chủ nhật nữa đến Tết 2025? Người lao động được nghỉ tết vào ngày bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Người lao động được nghỉ tết vào ngày bao nhiêu?
* Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025:
Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo quy định, người lao động được nghỉ 1 ngày vào Tết Dương lịch 2025 tức ngày 01/01/2025 vào thứ tư.
* Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025:
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về việc nghỉ tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 để các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và những người sử dụng lao động khác thực hiện lịch nghỉ tết Âm lịch 2025. Đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện lịch nghỉ tết 2025 như sau:
Người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 như sau:
- Đối với dịp nghỉ tết Âm lịch: lựa chọn 01 ngày cuối năm Giáp Thìn và 04 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 02 ngày cuối năm Giáp Thìn và 03 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 03 ngày cuối năm Giáp Thìn và 02 ngày đầu năm Ất Tỵ.
- Thông báo phương án nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
- Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
- Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ tết Âm lịch như quy định đối với công chức, viên chức.
Buộc người lao động đi làm vào ngày Tết 2025 thì bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Theo quy định, NSDLĐ bắt buộc người lao động đi làm vào ngày Tết 2025 mà chưa nhận được sự đồng ý của người lao động (Điều 107 Bộ luật Lao động 2019) thì sẽ bị xử phạt 10 - 20 triệu đồng, trừ trường hợp người lao động bắt buộc phải đi làm vào ngày Tết 2025 (Căn cứ Điều 108 Bộ luật Lao động 2019).
Mức phạt trên là mức phạt áp dụng cho NSDLĐ là cá nhân, nếu là doanh nghiệp thì sẽ bị xử phạt gấp đôi mức xử phạt của cá nhân tức là bị phạt 20 - 40 triệu đồng (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).