Cơ quan nơi công chức lãnh đạo đang công tác có trách nhiệm gì trong việc luân chuyển?
Cơ quan nơi công chức lãnh đạo đang công tác có trách nhiệm gì trong việc luân chuyển?
Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 57 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện luân chuyển công chức như sau:
Thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện luân chuyển
...
2. Trách nhiệm thực hiện:
...
b) Cơ quan, tổ chức, địa phương nơi đi: Nhận xét, đánh giá, đề xuất công chức luân chuyển; phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác quản lý, giám sát và giữ mối liên hệ thường xuyên với công chức luân chuyển; có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí hoặc đề xuất bố trí công tác đối với công chức sau luân chuyển;
c) Cơ quan, tổ chức, địa phương nơi đến: Chấp hành nghiêm quyết định về luân chuyển của cấp có thẩm quyền; có trách nhiệm bố trí công tác, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để công chức luân chuyển phát huy năng lực, sở trường; quản lý, đánh giá công chức luân chuyển; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hướng bố trí, sử dụng công chức sau luân chuyển;
d) Công chức được luân chuyển: Chấp hành nghiêm các quy định, quy chế, phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, địa phương nơi đi và nơi đến; tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực, cố gắng, phát huy năng lực, sở trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý; giữ mối liên hệ với cơ quan, tổ chức, địa phương nơi đi;
...
Như vậy, cơ quan, tổ chức, địa phương nơi công chức lãnh đạo đang công tác có trách nhiệm như sau:
- Nhận xét, đánh giá, đề xuất công chức luân chuyển
- Phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác quản lý, giám sát và giữ mối liên hệ thường xuyên với công chức luân chuyển
- Có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí hoặc đề xuất bố trí công tác đối với công chức sau luân chuyển.
Cơ quan nơi công chức lãnh đạo đang công tác có trách nhiệm trong việc luân chuyển? (Hình từ Internet)
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo hai nhiệm kỳ liên tiếp có phải thực hiện luân chuyển công tác?
Căn cứ Điều 55 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng, phạm vi luân chuyển như sau:
Đối tượng, phạm vi luân chuyển
1. Đối tượng luân chuyển:
a) Công chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch của cơ quan, tổ chức;
b) Công chức lãnh đạo, quản lý giữ các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan;
c) Công chức lãnh đạo, quản lý mà theo quy định không được bố trí người địa phương.
2. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức, công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
3. Chức danh bố trí luân chuyển thực hiện theo chủ trương của Đảng và của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo hai nhiệm kỳ liên tiếp mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan thì sẽ phải thực hiện luân chuyển công tác.
Việc bố trí công chức lãnh đạo sau luân chuyển được thực hiện thế nào?
Tại Điều 63 Nghị định 138/2020/NĐ-CP có quy định:
Bố trí công chức sau luân chuyển
Việc xem xét bố trí, phân công công chức sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, tổ chức gắn với trách nhiệm cá nhân của công chức được luân chuyển và kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ.
Dẫn chiếu đến Điều 62 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định:
Nhận xét, đánh giá đối với công chức luân chuyển
1. Định kỳ 6 tháng, hằng năm hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiến hành nhận xét, đánh giá công chức luân chuyển đến; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
2. Khi hết thời gian luân chuyển:
a) Công chức luân chuyển tự kiểm điểm về quá trình công tác trong thời gian luân chuyển;
b) Tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nhận xét, đánh giá công chức luân chuyển trong thời gian công tác tại địa phương, cơ quan, tổ chức;
c) Cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển nhận xét, đánh giá.
Như vậy, việc xem xét bố trí, phân công công chức lãnh đạo sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, tổ chức gắn với trách nhiệm cá nhân của công chức lãnh đạo được luân chuyển và kết quả nhận xét, đánh giá theo quy định nêu trên.