Cơ quan giải quyết bảo hiểm thất nghiệp Ninh Bình ở đâu?
Cơ quan giải quyết bảo hiểm thất nghiệp Ninh Bình ở đâu?
Căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (Được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, cơ quan giải quyết bảo hiểm thất nghiệp Ninh Bình là Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình.
Địa chỉ: Khu Làng Nghề Ninh Phong – Phường Ninh Phong – TP Ninh Bình.
Website: vieclamninhbinh.gov.vn
Số điện thoại phòng chuyên môn nghiệp vụ:
- Phòng Hành chính – Tổ chức; Điện thoại: 02293. 886. 399
- Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm – Dạy nghề; Điện thoại: 02293. 898. 198
- Phòng Thông tin thị trường; Điện thoại: 02293. 871. 525
- Phòng Bảo hiểm thất nghiệp; Điện thoại: 02293. 899. 946
Cơ quan giải quyết bảo hiểm thất nghiệp Ninh Bình ở đâu?
Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình như thế nào?
Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình có các chức năng nhiệm vụ sau:
1. Hoạt động tư vấn:
a) Tư vấn học nghề cho người lao động về lựa chọn nghề, trình độ đào tạo, nơi học phù hợp với khả năng và nguyện vọng;
b) Tư vấn việc làm cho người lao động về lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; về kỹ năng thi tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước;
c) Tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển dụng lao động; về quản trị và phát triển nguồn nhân lực; về sử dụng lao động và phát triển việc làm;
d) Tư vấn về chính sách, pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động.
2. Giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Giới thiệu người lao động cần tìm việc làm với người sử dụng lao động cần tuyển lao động;
b) Cung ứng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Tuyển lao động thông qua thi tuyển để lựa chọn những người đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động;
d) Giới thiệu, cung ứng lao động cho đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
3. Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động.
4. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật.
5. Hỗ trợ người lao động trong trường hợp chuyển từ nghề này sang nghề khác, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, di chuyển ra nước ngoài làm việc và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
6. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, việc làm.
7. Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.
8. Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
Có giới hạn số lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động không?
Căn cứ theo Điều 45 Luật Việc làm 2013 có quy định như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
2. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật này.
3. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.
Với quy định này, có thể thấy, pháp luật hiện hành không giới hạn số lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Tức là, nếu người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần thì vẫn có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp cho những lần thất nghiệp tiếp theo nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng và đáp ứng đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được nhận bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý tới thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, bởi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính cho lần hưởng trợ cấp mới sẽ không tính những năm người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp trước đó mà được tính lại từ đầu.
Tham khảo thêm Toàn văn 04 chế độ bảo hiểm thất nghiệp: TẢI VỀ.