Cơ quan công đoàn có chế độ công tác phí thanh toán tiền khoán tự túc phương tiện cho cán bộ công chức viên chức thế nào?
Cơ quan công đoàn có chế độ công tác phí thanh toán tiền khoán tự túc phương tiện cho cán bộ công chức viên chức thế nào?
Theo khoản 2 Điều 24 Quy định kèm theo Quyết định 1411/QĐ-TLĐ năm 2024 quy định cán bộ công chức viên chức thuộc cơ quan công đoàn được hưởng chế độ công tác phí thanh toán tiền khoán tự túc phương tiện như sau:
- Đối với cán bộ công chức viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên đủ tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô đưa đi công tác tự nguyện đăng ký thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác: Mức thanh toán khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác thực hiện theo Nghị định 72/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Đối với cán bộ công chức viên chức trong các cơ quan công đoàn không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác, nhưng nếu đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và từ 15 km trở lên (đối với các xã còn lại) mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm đi công tác và được quy định trong quy chế quản lý tài chính, tài sản công đoàn của đơn vị.
Cơ quan công đoàn có chế độ công tác phí thanh toán tiền khoán tự túc phương tiện cho cán bộ công chức viên chức thế nào? (Hình từ Internet)
Cán bộ công đoàn không chuyên trách sử dụng giờ làm việc để làm công tác công đoàn thì có được trả lương không?
Theo khoản 5 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 quy định thì cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm được Đại hội công đoàn, Hội nghị công đoàn các cấp bầu ra hoặc được Ban chấp hành công đoàn chỉ định, bổ nhiệm vào chức danh từ Tổ phó tổ công đoàn trở lên.
Theo Điều 24 Luật Công đoàn 2012 quy định:
Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn
1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí nơi làm việc và tạo điều kiện về phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn cùng cấp hoạt động.
2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.
3. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được nghỉ làm việc và được hưởng lương do đơn vị sử dụng lao động chi trả trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập; chi phí đi lại, ăn ở và sinh hoạt trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do cấp công đoàn triệu tập chi trả.
4. Cán bộ công đoàn không chuyên trách do đơn vị sử dụng lao động trả lương, được hưởng phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
5. Cán bộ công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương, được đơn vị sử dụng lao động bảo đảm quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo đó cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng giờ làm việc để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Cụ thể như sau:
- Được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở;
- Được sử dụng 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn.
Tuy nhiên, tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.
Cán bộ công đoàn không chuyên trách có nhiệm vụ gì?
Theo khoản 1 Điều 5 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020, cán bộ công đoàn không chuyên trách có các nhiệm vụ sau:
- Liên hệ mật thiết với đoàn viên và người lao động; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của đoàn viên và người lao động để giải quyết hoặc báo cáo, phản ánh kịp thời với người có thẩm quyền xem xét giải quyết.
- Tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế của đơn vị; tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Nêu gương về mọi mặt đối với đoàn viên và người lao động; tích cực bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
- Đại diện người lao động đối thoại, thương lượng tập thể theo quy định của pháp luật.
- Phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
- Đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của công đoàn các cấp.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do tổ chức công đoàn phân công.