Có phải mở sổ thống kê tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở kinh doanh không?
Có phải mở sổ thống kê tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở kinh doanh không?
Tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
Thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp thông tin tai nạn lao động
1. Trách nhiệm thu thập, lưu trữ thông tin tai nạn lao động được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động phải tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình; mở số thống kê tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; cập nhật đầy đủ, kịp thời vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm hoạt động; trong đó, xác định yếu tố chính gây chấn thương theo danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
...
Theo quy định trên, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức thực hiện thu thập và lưu trữ các thông tin tình hình tai nạn lao động đã xảy ra lại cơ sở của mình; mở sổ thống kê tai nạn lao động đã xảy ra. Đồng thời cập nhật kịp thời và đầy đủ vào phần mềm dữ liệu về các tai nạn lao động kể từ ngày phần mềm bắt đầu hoạt động.
Như vậy, người sử dụng lao động phải mở sổ thống kê tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở kinh doanh của mình.
Có phải mở sổ thống kê tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở kinh doanh không?
Mẫu sổ thống kê tai nạn lao động phải được lập như thế nào?
Hiện nay, sổ thống kê tai nạn lao động phải được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:
Tải Mẫu sổ thống kê tai nạn lao động: Tại đây
Hướng dẫn ghi mẫu:
(1) Ghi tên, ngành, mã ngành theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Thống kê.
(2) Ghi tên, mã số theo danh mục và mã số các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành trong báo cáo thống kê, thống nhất ghi cấp 1.
(3) Ghi tên và mã số nghề nghiệp theo danh mục nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo Luật Thống kê, thống nhất ghi cấp 3.
(4) Ghi có hợp đồng lao động (ghi rõ: không xác định thời hạn; xác định thời hạn; theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định thời hạn dưới 12 tháng) hoặc không có hợp đồng lao động.
(5) Ghi theo cơ cấu tổ chức của đơn vị (không phải là vị trí làm việc).
(6) Ghi tên và mã số của 01 yếu tố chính gây chấn thương trong danh mục các yếu tố gây chấn thương quy định tại Phụ lục IV Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH.
(7) Ghi theo danh mục các chấn thương đã xác định loại tai nạn lao động nặng ban hành kèm theo Phụ lục II Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
(8) Ghi 01 nguyên nhân chính gây tai nạn lao động theo nguyên nhân tại biên bản điều tra tai nạn lao động.
(9) Tất cả những vụ tai nạn lao động làm cho người lao động thuộc quyền quản lý phải nghỉ làm việc từ một ngày trở lên đều phải được thống kê để báo cáo tai nạn lao động.
Doanh nghiệp chi trả những khoản tiền nào cho người bị tai nạn lao động?
Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, khi người lao động bị tai nạn lao động trong quá trình thực hiện công việc, người sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm thanh toán các khoản tiền sau:
1. Thanh toán chi phí y tế, từ khi người lao động sơ cứu, cấp cứu cho đến khi tình trạng của người bệnh được điều trị ổn định.
- Trường hợp người lao động sơ cứu, cấp cứu thì người sử dụng lao động tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và sau đó tiến hành điều trị cho người lao động bị tai nạn khi làm việc.
- Người sử dụng lao động phải thanh toán các khoản phí khám chữa bệnh như sau:
+ Thanh toán những khoản phí đồng trả và thanh toán những khoản phí không được bảo hiểm y tế chi trả nếu người lao động tham gia bảo hiểm y tế.
+ Trả các khoản phí giám định sức khỏe cho người lao động nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới 5%.
+ Nếu người lao động không tham gia bảo hiểm y tế thì người sử dụng lao động phải thanh toán toàn bộ các khoản phí.
2. Tiền lương
Trong thời gian người lao động nghỉ để điều trị, phục hồi, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền lương cho người lao động.
3. Tiền bồi thường nếu tai nạn lao động không phải lỗi của người lao động
- Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 10%: bồi thường ít nhất 1,5 tháng lương.
- Từ 11 - 80%: cứ tăng 1% được bồi thường thêm 0,4 tháng lương.
- Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì phải bồi thường ít nhất 30 tháng lương. Trường hợp người lao động bị chết thì bồi thường cho thân nhân của họ.
4. Tiền trợ cấp tai nạn lao động nếu tai nạn lao động do lỗi của người lao động
Nếu tai nạn lao động do lỗi của người lao động thì phải bồi thường tối thiểu 40% các mức tại mục (3), tương ứng với từng mức suy giảm khả năng lao động của người lao động.
Sau khi người lao động điều trị, phục hồi chức năng, nếu vẫn còn nguyện vọng tiếp tục làm việc thì người sử dụng lao động phải bố trí, sắp xếp công việc phù hợp.