Có giới hạn độ tuổi hành nghề luật sư hay không?
Có giới hạn độ tuổi hành nghề luật sư hay không?
Căn cứ theo Điều 10 Luật Luật sư 2006 quy định tiêu chuẩn luật sư như sau:
Tiêu chuẩn luật sư
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
Theo đó, để trở thành luật sư cần đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
- Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có bằng cử nhân luật;
- Đã được đào tạo nghề luật sư;
- Đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư;
- Có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 11 Luật Luật sư 2006 thì điều kiện để hành nghề luật sư được quy định như sau:
Điều kiện hành nghề luật sư
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
Như vậy, theo quy định hiện hành không có giới hạn về điều kiện độ tuổi được phép hành nghề luật sư. Ngoài việc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trở thành luật sư thì trong điều kiện hành nghề luật sư người muốn hành nghề còn phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
Có giới hạn độ tuổi hành nghề luật sư hay không?
Luật sư có phải tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không?
Theo quy định tại Điều 5 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bổ sung bởi Khoản 37 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định
Nguyên tắc hành nghề luật sư
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
2. Tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
3. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
4. Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.
Theo đó, luật sư phải tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam thì bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 85 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bổ sung bởi khoản 37 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:
Xử lý kỷ luật đối với luật sư
1. Luật sư vi phạm quy định của Luật này, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng;
d) Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
2. Việc xem xét quyết định kỷ luật luật sư thuộc thẩm quyền của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư.
3. Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư thì Đoàn luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư.
Theo đó, tùy vào tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà luật sư phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật sau:
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng.
- Xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
Sứ mệnh của luật sư là gì?
Căn cứ theo Quy tắc 1 tại Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành, có quy định về sứ mệnh của một luật sư như sau:
Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, trong lời nói đầu của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 cũng đã nêu về nghề luật sư như sau:
Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.