Có chịu thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản được nhận khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
- Các khoản tiền mà người lao động nhận khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì có chịu thuế thu nhập cá nhân?
- Xác định thu nhập chịu thuế đối với các khoản bồi thường từ thời điểm nào?
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật doanh nghiệp sẽ phải trả những khoản chi phí nào?
Các khoản tiền mà người lao động nhận khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì có chịu thuế thu nhập cá nhân?
Về nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại khi doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, tham khảo nội dung hướng dẫn tại Công văn 3168/CT-TTHT năm 2019 về thuế thu nhập cá nhân do Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành thì:
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp của Bà nếu được Văn Phòng Đại Diện chi trả các khoản bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động thì các khoản bồi thường này thuộc thu nhập được miễn thuế TNCN theo quy định.
Trường hợp Văn Phòng Đại Diện chi trả khoản tiền trợ cấp cho Bà thôi việc ngoài quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội thì khoản chi trả này phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN, trường hợp tại thời điểm chi trả tiền hỗ trợ, Bà đã có quyết định thôi việc và đã nghỉ việc thì Công ty khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên tổng mức chi trả từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên, cuối năm Bà có nghĩa vụ trực tiếp khai quyết toán với cơ quan thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Như vậy, các khoản bồi thường thiệt hại mà người lao động nhận được do doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo đúng quy định của Bộ luật Lao động thuộc thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Lưu ý, đối với các khoản tiền khác thì vẫn chịu thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại Công văn 3453/CTHN-TTHT năm 2021 về chính sách thuế đối với khoản phải trả cho cá nhân do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật do Cục Thuế Thành phố Hà Nội ban hành:
Đối với số tiền Công ty buộc phải trả cho cá nhân trong thời gian cá nhân không được làm việc, khoản truy thu do chênh lệch mức đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương 2 tháng phải trả do Công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật không thuộc các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN theo quy định tại Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính); Các khoản thanh toán nêu trên là khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của cá nhân theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 nêu trên.
Từ các quy định trên thì có thể kết luận các khoản bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động thì được miễn thuế TNCN.
Còn các khoản mà công ty phải trả cho cá nhân trong thời gian cá nhân không được làm việc, khoản truy thu do chênh lệch mức đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương 2 tháng phải trả do Công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật không thuộc các khoản thu nhập được miễn thuế.
Có chịu thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản được nhận khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
Xác định thu nhập chịu thuế đối với các khoản bồi thường từ thời điểm nào?
Tại Điều 11 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định:
Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
1. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số thu nhập quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật này mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.
2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.
Như đã xác định ở trên các khoản bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật tđược miễn thuế TNCN.
Còn các khoản mà phía công ty phải trả khác sẽ được xác định thu nhập chịu thuế từ thời điểm công ty trả thu nhập cho người lao động hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật doanh nghiệp sẽ phải trả những khoản chi phí nào?
Tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Như vậy, theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, ngoài chi trả trợ cấp thôi việc, phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc,…
Doanh nghiệp còn có thể phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho NLĐ trong trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý.
Hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.