Có bắt buộc lập thỏa ước lao động tập thể hay không? Thỏa ước lao động tập thể khác gì so với nội quy lao động?
Thỏa ước lao động tập thể là gì?
Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Lao động 2019 thì thỏa ước lao động tập thể được hiểu là các thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.
Thỏa ước lao động tập thể bao gồm:
- Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;
- Thỏa ước lao động tập thể ngành;
- Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp;
- Các thỏa ước lao động tập thể khác.
Nội dung của thỏa ước lao động là những gì đạt được từ việc thương lượng tập thể và không được trái với những quy định của pháp luật hiện hành. Theo Điều 67 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về nội dung của thương lượng tập thể bao gồm:
- Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;
- Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;
- Bảo đảm việc làm đối với người lao động;
- Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;
- Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;
- Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;
- Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.
Có bắt buộc lập thỏa ước lao động tập thể hay không? Thỏa ước lao động tập thể khác gì so với nội quy lao động? (Hình từ Internet)
Có bắt buộc phải lập thỏa ước lao động tập thể hay không?
Thỏa ước lao động tập thể là các thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Lao động 2019 thì thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 76 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể
1. Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
...
Như vậy, pháp luật hiện nay không bắt buộc các doanh nghiệp phải lập thỏa ước lao động. Thỏa ước lao động chỉ được lập khi đạt được các thỏa thuận từ việc thương lượng tập thể và có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
Thỏa ước lao động tập thể khác gì so với nội quy lao động?
Về khái niệm:
Thỏa ước lao động tập thể được hiểu là các thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.
Hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích về thuật ngữ nội quy lao động, tuy nhiên có thể hiểu nội quy lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành ra nhằm tạo quy định việc tuân theo thời gian, công nghệ, trật tự trong đơn vị lao động và sự điều hành công việc của người sử dụng lao động.
Về chủ thể ban hành:
Thỏa ước lao động tập thể do tập thể người lao động lập ra bao gồm cả người sử dụng lao động và người lao động.
Nội quy lao động được ban hành bởi người sử dụng lao động.
Về nội dung:
Thỏa ước lao động tập thể bao gồm những gì đạt được từ việc thương lượng tập thể và không được trái với những quy định của pháp luật hiện hành.
Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
- Trách nhiệm vật chất;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Về hình thức:
Thỏa ước lao động tập thể phải được ký kết bằng văn bản.
Nội quy lao động phải bằng văn bản nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên, trường hợp sử dụng dưới 10 người lao động thì nội quy lao động không bắt buộc bằng văn bản.
Về hiệu lực:
Thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.
Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.
Về thời hạn:
Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.
Pháp luật không quy định về thời hạn của nội quy lao động, tuy nhiên có thể quy định về thời hạn trong nội quy lao động, thông thường nội quy lao động gắn liền với thời gian hoạt động của doanh nghiệp
Về giá trị pháp lý:
Theo khoản 1 Điều 79 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động, bao gồm cả người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực.
...
Như vậy, có thể thấy cả người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nên giá trị pháp lý của thỏa ước lao động tập thể sẽ cao hơn so với nội quy lao động do người sử dụng lao động ban hành.