Có bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe chuyên khoa phụ sản đối với lao động nữ?
Có bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe chuyên khoa phụ sản đối với lao động nữ?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động, cụ thể như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
...
Theo đó hằng năm doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 01 lần cho nhân viên.
Khi tổ chức khám sức khỏe thì lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản.
Như vậy bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe chuyên khoa phụ sản đối với lao động nữ định kỳ.
Có bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe chuyên khoa phụ sản đối với lao động nữ? (Hình từ Internet)
Khi nào người lao động được trả sổ khám sức khỏe?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 14/2013/TT-BYT quy định cấp Giấy khám sức khỏe như sau:
Cấp Giấy khám sức khỏe
1. Giấy KSK được cấp 01 (một) bản cho người được KSK. Trường hợp người được KSK có yêu cầu cấp nhiều Giấy KSK thì cơ sở KSK thực hiện như sau:
a) Tiến hành việc nhân bản (photocopy) Giấy KSK đã có chữ ký của người kết luận trước khi đóng dấu. Số lượng Giấy KSK được nhân bản theo yêu cầu của người được KSK;
b) Sau khi tiến hành việc nhân bản, thực hiện việc dán ảnh, đóng dấu giáp lai vào Giấy KSK bản photocopy và đóng dấu theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này.
2. Thời hạn trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ:
a) Đối với trường hợp KSK đơn lẻ: cơ sở KSK trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ cho người được KSK trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ kể từ khi kết thúc việc KSK, trừ những trường hợp phải khám hoặc xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người thực hiện KSK;
b) Đối với trường hợp KSK tập thể theo hợp đồng: cơ sở KSK trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ cho người được KSK theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.
3. Giá trị sử dụng của Giấy KSK, kết quả KSK định kỳ:
a) Giấy KSK có giá trị trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe; Đối với KSK cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì giá trị của Giấy KSK theo quy định của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà người lao động Việt Nam đến làm việc;
b) Kết quả KSK định kỳ có giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp người được KSK có xét nghiệm HIV dương tính thì việc thông báo kết quả xét nghiệm này phải theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Theo đó thời hạn trả Giấy khám sức khỏe, Sổ khám sức khỏe định kỳ sẽ chia thành 02 trường hợp:
- Đối với trường hợp khám sức khỏe đơn lẻ: cơ sở khám sức khỏe trả Giấy khám sức khỏe, Sổ khám sức khỏe định kỳ cho người được khám sức khỏe trong vòng 24 giờ kể từ khi kết thúc việc khám sức khỏe, trừ những trường hợp phải khám hoặc xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người thực hiện khám sức khỏe.
- Đối với trường hợp khám sức khỏe tập thể theo hợp đồng: cơ sở khám sức khỏe trả Giấy khám sức khỏe, Sổ khám sức khỏe định kỳ cho người được khám sức khỏe theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.
Không tổ chức khám sức khỏe chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ định kỳ thì bị phạt gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động như sau:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
...
Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe chuyên khoa định kỳ cho lao động nữ sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng.