Chuyển tuyến từ bệnh viện huyện lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì cần điều kiện gì?
Quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh trong Quân đội như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 4,5,6,7,13 Thông tư 46/2016/TT-BQP, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng quản lý được phân thành 04 tuyến chuyên môn kỹ thuật, đồng thời cũng là tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm:
Tuyến 1 tương đương cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương
Là các Bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng gồm:
- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
- Bệnh viện Quân y 175,
- Viện Y học cổ truyền Quân đội
- Bệnh viện Quân y 103
- Bệnh viện Bỏng Lê Hữu Trác.
Tuyến 2 tương đương cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Bệnh viện hạng I trực thuộc Tổng cục Hậu cần, gồm:
+ Bệnh viện Quân y 354
+ Bệnh viện Quân y 105
+ Bệnh viện Quân y 87.
- Bệnh viện hạng I trực thuộc Cục Quân y: Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội.
- Bệnh viện hạng I trực thuộc các quân khu, quân đoàn:
+ Bệnh viện Quân y 110/Quân khu 1
+ Bệnh viện Quân y 109/Quân khu 2
+ Bệnh viện Quân y 7/Quân khu 3
+ Bệnh viện Quân y 4/Quân khu 4
+ Bệnh viện Quân y 17/Quân khu 5
+ Bệnh viện Quân y 7A/Quân khu 7
+ Bệnh viện Quân y 121/Quân khu 9
+ Bệnh viện Quân y 211/Quân Đoàn 3.
- Bệnh viện Quân y hạng II; Bệnh viện quân - dân y hạng II.
Tuyến 3 tương đương cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện:
- Bệnh xá quân y; bệnh xá quân - dân y.
- Đội Điều trị.
- Bệnh viện Quân y và bệnh viện quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa xếp hạng.
- Cơ sở 2 của bệnh viện thuộc tuyến 2 không nằm trên cùng địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Phòng khám đa khoa thuộc các cơ sở y học dự phòng Quân đội hạng I, hạng II.
- Phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa; khoa đa khoa trực thuộc các bệnh viện hoặc trực thuộc cấp quân khu và tương đương.
- Trung tâm y tế quân - dân y.
- Bệnh xá Ban Cơ yếu Chính phủ.
Tuyến 4 tương đương cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, phường, thị trấn.
- Quân y đơn vị cấp tiểu đoàn.
- Quân y các đơn vị tương đương cấp tiểu đoàn có bố trí bác sĩ, y sĩ, gồm: Đại đội độc lập, đồn biên phòng, đảo không có bệnh xá, kho, trạm, trận địa, nhà giàn DK...
- Quân y cơ quan cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng; quân y cơ quan trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn; quân y hiệu bộ các học viện, nhà trường; quân y nhà máy, xí nghiệp quốc phòng...
- Tổ quân y có giường lưu.
- Trạm y tế quân - dân y; phòng khám quân - dân y.
Chuyển tuyến từ bệnh viện huyện lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì cần điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Chuyển tuyến từ bệnh viện huyện lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì cần điều kiện gì?
Tại Điều 5 Thông tư 14/2014/TT-BYT có quy định như sau:
Điều kiện chuyển tuyến
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;
b) Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn;
c) Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4).
...
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 46/2016/TT-BQP có quy định như sau:
Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh
1. Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên thực hiện theo trình tự từ tuyến 4 lên đến tuyến 1. Được phép chuyển vượt tuyến trong các trường hợp sau:
a) Các trường hợp cấp cứu thuộc các địa bàn mà nếu chuyển vượt tuyến sẽ thuận lợi hơn chuyển đúng tuyến;
b) Các trường hợp bệnh cấp tính nặng, vượt khả năng điều trị của tuyến trên liền kề hoặc cần điều trị kỹ thuật cao.
...
Theo đó, việc chuyển tuyến chỉ được thực hiện khi không đảm bảo về điều kiện chuẩn đoán và chữa trị và phải chuyển tuyến lần lượt từ tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương.
Đặc biệt, căn cứ danh mục kỹ thuật được phê duyệt, nếu thấy bệnh viện tuyến tỉnh không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp với bệnh tình của bệnh nhân, bệnh viện tuyến huyện có thể trực tiếp chuyển người bệnh lên tuyến trung ương.
Như vậy, việc chuyển tuyến từ bệnh viện huyện lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ được thực hiện khi:
- Các trường hợp cấp cứu thuộc các địa bàn mà nếu chuyển vượt lên tuyến trung ương sẽ thuận lợi hơn chuyển đúng tuyến tỉnh;
- Các trường hợp bệnh cấp tính nặng, vượt khả năng điều trị của tuyến tỉnh hoặc cần điều trị kỹ thuật cao, buộc phải điều trị ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Đăng ký chuyển tuyến từ bệnh viện huyện lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 theo nguyên tắc nào?
Tại Điều 8 Thông tư 46/2016/TT-BQP có quy định như sau:
Nguyên tắc đăng ký tuyến, chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh
1. Thuận lợi cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
2. Thuận lợi cho các đơn vị trong quản lý quân số và quản lý sức khỏe.
3. Phù hợp với phân cấp bậc thang điều trị của hệ thống ngành Quân y.
4. Phù hợp với hệ thống tổ chức các đơn vị Quân đội từ tuyến tiểu đoàn đến Bộ Quốc phòng.
5. Phù hợp địa bàn đơn vị đóng quân.
Theo đó, việc đăng ký chuyển tuyến từ bệnh viện huyện lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phải thực hiện theo nguyên tắc nêu trên.