Chứng chỉ CMA là gì? Kế toán viên bắt buộc phải có chứng chỉ CMA không?
Chứng chỉ CMA là gì?
Chứng chỉ CMA là từ viết tắt của Certified Management Accountant, là chứng chỉ quốc tế về kế toán quản trị (chứng chỉ Kế toán quản trị) được cấp bởi Hiệp hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ (IMA) – tổ chức nghề nghiệp danh tiếng trên thế giới dành cho các kế toán quản trị. IMA được thành năm từ năm 1919 và đến nay đã có hơn 140.000 hội viên tại 140 quốc gia trên toàn cầu.
Chương trình học CMA sẽ đào tạo chuyên sâu vào các kiến thức, kỹ năng thiết yếu của một kế toán viên hoặc chuyên gia tài chính trong doanh nghiệp bao gồm: lập kế hoạch tài chính; phân tích, kiểm soát và hỗ trợ trong việc ra quyết định. Những kỹ năng này đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản trị tài chính và kế toán quản trị.
100.000 thành viên được công nhận chỉ sau 50 năm thành lập; 85% thành viên ược khảo sát cho rằng chứng chỉ CMA đã giúp họ mở ra những cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp và 700.000.000+ VND là mức lương cố định trung bình theo năm của nhân sự sở hữu CMA và có kinh nghiệm đi làm trên 8 năm (chưa tính các khoản thưởng).
Thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.
Chứng chỉ CMA là gì? Kế toán viên bắt buộc phải có chứng chỉ CMA không?
Kế toán viên bắt buộc phải có chứng chỉ CMA không?
Căn cứ theo Điều 57 Luật Kế toán 2015 có quy định về chứng chỉ kế toán viên như sau:
Chứng chỉ kế toán viên
1. Người được cấp chứng chỉ kế toán viên phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;
c) Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên.
2. Người có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế về kế toán cấp được Bộ Tài chính Việt Nam công nhận, đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật kinh tế, tài chính, kế toán Việt Nam và có tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được cấp chứng chỉ kế toán viên.
3. Bộ Tài chính quy định điều kiện thi lấy chứng chỉ kế toán viên, thủ tục cấp và thu hồi chứng chỉ kế toán viên.
Đồng thời theo Điều 7 Thông tư 29/2022/TT-BTC có quy định như sau:
Kế toán viên (mã số 06.031)
...
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, nguyên lý kế toán, các chế độ tài chính, thống kê, các chuẩn mực kế toán và thông tin kinh tế có liên quan;
b) Nắm được các quy định cụ thể về hình thức và phương pháp kế toán; các chế độ kế toán áp dụng trong ngành, lĩnh vực kế toán nhà nước;
c) Biết phương pháp nghiên cứu, đề xuất triển khai hoặc bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ, tổng kết cải tiến nghiệp vụ quản lý, nắm được xu thế phát triển nghiệp vụ trong nước và quốc tế;
d) Biết tổ chức triển khai các hoạt động về quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ, quy trình luân chuyển chứng từ, phương pháp quản lý và điều hành đối với nhiệm vụ kế toán trong đơn vị;
đ) Có khả năng tiếp thu, nắm bắt và kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hiện đại để trao đổi và sử dụng các tài liệu kế toán, thông tin kế toán, phần mềm kế toán, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử;
e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương.
Theo đó, để trở thành Kế toán viên cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn về về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó cũng cần phải đáp ứng tiêu chuẩn chung về phẩm chất nêu tại Điều 4 Thông tư 29/2022/TT-BTC.
Có thể thấy rằng, chứng chỉ CMA là một chứng chỉ quốc tế không có trong quy định pháp luật bắt buộc phải có đối với Kế toán viên. Tuy nhiên, tùy vào mỗi đơn vị sẽ có quy định cũng như yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ phải có cần đáp ứng để có thể trở thành một Kế toán viên.
Mức lương của Kế toán viên hiện nay là bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 24 Thông tư 29/2022/TT-BTC có quy định về xếp lương đối với ngạch công chức chuyên ngành kế toán, cụ thể như sau:
Xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ
1. Các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và được sửa đổi tại Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ như sau:
a) Ngạch kiểm tra viên cao cấp thuế (mã số 06.036), kiểm tra viên cao cấp hải quan (mã số 08.049) được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
Ngạch kế toán viên cao cấp (mã số 06.029) được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55;
b) Ngạch kiểm tra viên chính thuế (mã số 06.037), kiểm tra viên chính hải quan (mã số 08.050), kỹ thuật viên bảo quản chính (mã số 19.220) được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Ngạch kế toán viên chính (mã số 06.030) được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến 6,38;
c) Ngạch kế toán viên (mã số 06.031), kiểm tra viên thuế (mã số 06.038), kiểm tra viên hải quan (mã số 08.051), kỹ thuật viên bảo quản (mã số 19.221) được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
d) Ngạch kế toán viên trung cấp (mã số 06.032), kiểm tra viên trung cấp thuế (mã số 06.039), kiểm tra viên trung cấp hải quan (mã số 08.052), kỹ thuật viên bảo quản trung cấp (mã số 19.222), thủ kho bảo quản (mã số 19.223) được áp dụng hệ số lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;
đ) Ngạch nhân viên hải quan (mã số 08.053), nhân viên thuế (mã số 06.040) được áp dụng hệ số lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06;
e) Ngạch Nhân viên bảo vệ kho dự trữ (mã số 19.224) được áp dụng hệ số lương công chức loại C, nhóm 1 (C1), từ hệ số lương 1,65 đến hệ số lương 3,63.
...
Và căn cứ Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì công thức tính lương của kế toán viên hiện nay như sau:
Mức lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương hiện hưởng
Trong đó:
- Hệ số lương: ngạch kế toán viên được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
- Mức lương cơ sở: 2,34 triệu đồng/tháng (theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2024).
Như vậy từ 1/7/2024, mức lương của Kế toán viên trong cơ quan nhà nước dao động từ 5.475.600 - 11.653.200 đồng/tháng.