Chứng chỉ ACCA là gì? Chứng chỉ ACCA có thời hạn bao lâu? Phải thuê dịch vụ làm kế toán trưởng trong trường hợp nào?
Chứng chỉ ACCA là gì? Chứng chỉ ACCA có thời hạn bao lâu?
Chứng chỉ ACCA (Association of Chartered Certified Accountants) là một chứng chỉ kế toán và kiểm toán quốc tế được cấp bởi Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc. Đây là một trong những chứng chỉ danh giá nhất trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính và thuế, được công nhận rộng rãi tại hơn 180 quốc gia.
- Lợi ích của chứng chỉ ACCA:
+ Phát triển chuyên môn: Chương trình ACCA cung cấp kiến thức chuyên sâu về kế toán, kiểm toán, tài chính, quản trị doanh nghiệp và luật kinh doanh.
+ Cơ hội nghề nghiệp: Sở hữu chứng chỉ ACCA mở ra nhiều cơ hội việc làm tại các công ty lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia và các công ty kiểm toán hàng đầu như Big Four.
+ Mạng lưới toàn cầu: ACCA có một mạng lưới rộng lớn với hơn 227.000 hội viên và hơn 517.000 học viên trên toàn thế giới, giúp bạn kết nối và học hỏi từ các chuyên gia trong ngành.
- Điều kiện học ACCA:
+ Không yêu cầu thi đầu vào: Bạn chỉ cần đã tốt nghiệp đại học/cao đẳng hoặc đang là sinh viên của trường đại học.
+ Khóa học nền tảng: Nếu bạn chưa tốt nghiệp đại học/cao đẳng, bạn cần hoàn thành một khóa học nền tảng về kế toán.
- Các chứng chỉ và bằng cấp khi theo học ACCA:
+ Chứng chỉ sơ cấp về Kế toán và Kinh doanh
+ Chứng chỉ Kế toán và Kiểm toán Quốc tế
+ Chứng chỉ nâng cao về Kế toán và Kinh doanh
+ Chứng chỉ Chiến lược Chuyên nghiệp
- Chứng chỉ ACCA không có thời hạn. Điều này có nghĩa là một khi bạn đã đạt được chứng chỉ ACCA, nó sẽ có giá trị vĩnh viễn.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Chứng chỉ ACCA là gì? Chứng chỉ ACCA có thời hạn bao lâu? Phải thuê dịch vụ làm kế toán trưởng trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Phải thuê dịch vụ làm kế toán trưởng trong trường hợp nào?
Theo Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định:
Kế toán trưởng, phụ trách kế toán
1. Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
2. Phụ trách kế toán:
a) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
3. Thời hạn bổ nhiệm kế toán trưởng của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước, thời hạn bổ nhiệm phụ trách kế toán của các đơn vị quy định tại điểm a khoản 2 Điều này là 5 năm sau đó phải thực hiện các quy trình về bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán.
4. Khi thay đổi kế toán trưởng, phụ trách kế toán, người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán hoặc người quản lý, điều hành đơn vị kế toán phải tổ chức bàn giao công việc và tài liệu kế toán giữa kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ và kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới, đồng thời thông báo cho các bộ phận có liên quan trong đơn vị và cho các cơ quan nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch biết họ tên và mẫu chữ ký của kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới chịu trách nhiệm về công việc kế toán của mình kể từ ngày nhận bàn giao công việc. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình phụ trách.
5. Bộ Nội vụ hướng dẫn phụ cấp trách nhiệm công việc, thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế kế toán trưởng và phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước.
Theo đó đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước và các doanh nghiệp siêu nhỏ theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP.
Như vậy đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng. Nếu nhân viên kế toán của đơn vị chỉ có 1 người nhưng nhân viên kế toán này lại chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn để bố trí làm kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định.
Kế toán trưởng cần đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện gì?
Theo Điều 54 Luật Kế toán 2015 quy định:
Tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng
1. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;
c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
2. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng phù hợp với từng loại đơn vị kế toán.
Theo đó Kế toán trưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện như:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán;
- Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
- Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
Ngoài ra các đơn vị kế toán khác nhau sẽ có các tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để phù hợp với từng loại đơn vị kế toán.