Chủ đề Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 là gì?
Chủ đề Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 là gì?
Nhằm mục đích tạo cao điểm về các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và triển khai chủ đề của Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024, tại Mục II Kế hoạch 5106/KH-BCĐTƯ năm 2023 có nêu rõ chủ đề Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 như sau:
Nhằm thúc đẩy, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức cũng như các hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 được phát động với chủ đề sau: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Ban chỉ đạo (BCĐ) Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương yêu cầu các địa phương:
- Căn cứ vào điều kiện, tình hình kinh tế, xã hội chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2024 phù hợp, hiệu quả; tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại về ATVSLĐ ở cấp tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, cơ sở; tổ chức truyền tải chủ đề Tháng hành động gắn kết, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương trên các nền tảng mạng xã hội; tổ chức thăm hỏi các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức, nhận thức, hành động về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, trong chuỗi cung ứng; chú trọng các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ, cháy nổ; tiếp tục triển khai các chương trình hành động về cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ do không đảm bảo an toàn lao động.
- Bố trí kinh phí để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ phù hợp, thiết thực với điều kiện của địa phương.
Như vậy, chủ đề Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 là “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Chủ đề Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 là gì? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động có các quyền gì về an toàn vệ sinh lao động?
Căn cứ Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền sau đây:
a) Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
b) Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động;
c) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;
d) Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
...
Theo đó, trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động người sử dụng lao động có các quyền sau:
- Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
- Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động;
- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
Người sử dụng lao động xây dựng quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh lao động dựa trên căn cứ nào?
Căn cứ Điều 15 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
Người sử dụng lao động căn cứ pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động xây dựng quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh lao động dựa trên các căn cứ sau:
- Pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động;
- Điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động.