Chính thức vận hành Cổng thông tin cấp thị thực điện tử mới vào ngày 11/11? Mẫu Tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam cho NLĐ nước ngoài là mẫu nào?
Chính thức vận hành Cổng thông tin cấp thị thực điện tử mới vào ngày 11/11 đúng không?
Theo thông tin từ website Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết từ 11/11/2024 sẽ vận hành chính thức Cổng thông tin cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài tại địa chỉ thithucdientu.gov.vn, song song với trang web evisa.xuatnhapcanh.gov.vn hiện tại.
Theo đó, giao diện mới của Cổng thông tin cấp thị thực điện tử này sẽ được nâng cấp, cải tiến hơn nhiều và có thêm phần giải đáp các thắc mắc thường gặp bằng song ngữ Việt-Anh cho công dân xin cấp e-visa.
E-visa (Electronic Visa) là visa điện tử hay còn gọi là thị thực điện tử. Nó là giấy phép hợp pháp cho phép người nước ngoài được vào cửa khẩu và du lịch trong nước. Hiện E-visa là hình thức mới nhất của visa.
Chính thức vận hành Cổng thông tin cấp thị thực điện tử mới vào ngày 11/11?
Mẫu Tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam cho người lao động nước ngoài là mẫu nào?
Hiện nay, mẫu Tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam cho người lao động nước ngoài là Mẫu NA1 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA, cụ thể như sau:
Tải Mẫu Tờ khai yêu cầu cấp thị thực Việt Nam mới nhất: Tại đây
Lưu ý:
- Mỗi người khai 01 bản kèm hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, nộp trực tiếp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế nơi nhận thị thực.
- Kèm 02 ảnh mới chụp, cỡ 4x6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh để rời).
- Ghi rõ bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột (nếu có).
- Ghi rõ loại hộ chiếu phổ thông công vụ, ngoại giao hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Điều kiện để người lao động nước ngoài cư trú và làm việc hợp pháp tại Việt Nam là gì?
Theo quy định tại Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 thì người nước ngoài muốn nhập cảnh Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
- Có thị thực, trừ trường hợp sau:
+ Được miễn thị thực theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam;
+ Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú;
+ Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
+ Thuộc trường hợp đơn phương miễn thị thực;
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực.
- Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng;
- Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh bao gồm:
+ Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.
+ Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.
+ Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
+ Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.
+ Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.
+ Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.
+ Vì lý do thiên tai.
+ Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, để được làm việc tại Việt nam thì người lao động nước ngoài còn phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Điều 154 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, người lao động nước ngoài muốn vào làm việc tại Việt Nam cơ bản phải đáp ứng đủ các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật đã nêu.