Chính thức thực hiện bảng lương mới theo vị trí việc làm và chế độ phụ cấp mới vào thời gian nào?
4/6 nội dung được thực hiện khi cải cách tiền lương từ 1/7/2024 là gì?
Theo Kết luận 83-KL/TW năm 2024, Bộ Chính trị đã có những kết luận về nội dung cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công).
Cụ thể, lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 gồm:
- Xây dựng 5 bảng lương mới;
- Chế độ phụ cấp;
- Chế độ tiền thưởng;
- Chế độ nâng bậc lương;
- Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương;
- Quản lý tiền lương và thu nhập.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện; đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chính vì vậy, chỉ đủ điều kiện thực hiện được 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27 ngay từ 01/7/2024, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Chế độ tiền thưởng
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, thực hiện chế độ tiền thưởng trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định
Quỹ tiền thưởng hằng năm nằm ngoài quỹ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022, được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc quân hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Thứ hai: Chế độ nâng bậc lương
Theo Kết luận 83-KL/TW năm 2024 thì một trong những nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 được thực hiện từ 01/7/2024 là:
2. Về nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW
...
2.2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)
...
(3) Hoàn thiện chế độ nâng lương phù hợp với việc chuyển đổi quản lý và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
...
Thứ ba: Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương gồm:
- Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương:
+ Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2024 tăng thêm so với năm 2023.
+ Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.
Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí;
+ Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
+ Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2024 tăng thêm so với năm 2023.
+ Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023.
+ Sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2024 so với năm 2023.
+ Sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2023 thực hiện so với dự toán.
+ Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có);
+ Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.
Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.
Thứ tư: Quản lý tiền lương và thu nhập
Theo tiểu mục 2.2.5 Mục 2 Kết luận 83-KL/TW năm 2024, theo tình thần Nghị quyết 27 sẽ hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, gồm:
- Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để trả lương, thưởng và kết quả thực thi nhiệm vụ.
- Thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và được quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao.
- Mở rộng áp dụng thí điểm tiền lương tăng thêm đối với một số địa phương khi đủ điều kiện theo chủ trương tại Nghị quyết 27.
- Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập phù hợp với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, hiện tại từ 1/7/2024 đã thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương. 02 nội dung chưa thực hiện gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng do phát sinh nhiều bất cập.
Chính thức thực hiện bảng lương mới theo vị trí việc làm và chế độ phụ cấp mới vào thời gian nào?
Chính thức thực hiện bảng lương mới theo vị trí việc làm và chế độ phụ cấp mới vào thời gian nào?
Tại tiểu mục 5.2 Mục 5 Kết luận 83-KL/TW năm 2024 có nêu:
5. Tổ chức thực hiện
Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp căn cứ Kết luận này khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
...
5.2. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
...
Như vậy, việc thực hiện 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm cũng như 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công sẽ được đề xuất sao cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026.
Cũng có nghĩa, nếu đề xuất được thông qua thì sau năm 2026, 2/6 nội dung cải cách còn lại bao gồm bảng lương mới theo vị trí việc làm và chế độ phụ cấp mới sẽ được thực hiện.
Xây dựng bảng lương mới và chế độ phụ cấp mới đối với CBCCVC và LLVT theo Nghị quyết 27 ra sao?
Căn cứ theo quy định tại tiết 3.1 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, 05 bảng lương mới đối với CBCCVC và LLVT được xây dựng như sau:
- 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
- 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.
- 03 bảng lương đối với lực lượng vũ trang: gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Đồng thời, 09 loại phụ cấp theo chế độ tiền lương mới thực hiện sắp xếp gồm:
(1) Phụ cấp kiêm nhiệm;
(2) Phụ cấp thâm niên vượt khung;
(3) Phụ cấp khu vực;
(4) Phụ cấp trách nhiệm công việc;
(5) Phụ cấp lưu động;
(6) Phụ cấp ưu đãi theo nghề;
(7) Phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
(8) Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập;
(9) Phụ cấp thâm niên nghề áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang.