Chính sách tăng lương hưu - giảm chênh lệch từ 2025 sẽ áp dụng cho đối tượng có đang hưởng mức lương hưu ra sao?
- Chính sách tăng lương hưu - giảm chênh lệch từ 2025 sẽ áp dụng cho đối tượng có đang hưởng mức lương hưu ra sao?
- Văn bản về chính sách điều chỉnh tăng lương hưu theo Quyết định mới nhất được triển khai ra sao?
- Tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu như thế nào?
Chính sách tăng lương hưu - giảm chênh lệch từ 2025 sẽ áp dụng cho đối tượng có đang hưởng mức lương hưu ra sao?
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025 có quy định về việc điều chỉnh lương hưu cho người tham gia bảo hiểm xã hội (kể cả hình thức bắt buộc và tự nguyện).
Căn cứ Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Điều chỉnh lương hưu
1. Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
3. Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Điều này.
Theo đó, sẽ điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với các đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Căn cứ khoản 2 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng
...
2. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật này.
...
Theo đó, việc điều chỉnh lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện tương tự theo quy định đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, từ 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực đã đưa ra chính sách tăng lương hưu - giảm chênh lệch lương hưu áp dụng cho các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (kể cả hình thức bắt buộc và tự nguyện) có nghỉ hưu trước năm 1995 và đồng thời có mức hưởng lương hưu thấp.
Chính sách giảm chênh lệch lương hưu sẽ điều chỉnh tăng lương hưu một cách thỏa đáng, bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa những người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Chính sách tăng lương hưu - giảm chênh lệch từ 2025 sẽ áp dụng cho đối tượng có đang hưởng mức lương hưu ra sao? (Hình từ Internet)
Văn bản về chính sách điều chỉnh tăng lương hưu theo Quyết định mới nhất được triển khai ra sao?
Theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 918/QĐ-TTg năm 2024 có hiệu lực từ ngày 27/08/2024 quy định về mục đích của việc thực hiện Kết luận 83-KL/TW năm 2024 và Nghị quyết 142/2024/QH15 về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, cụ thể như sau:
- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Kết luận 83-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
- Xác định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo Kết luận 83-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 142/2024/QH15 của Quốc hội.
- Bảo đảm việc xây dựng và triển khai đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định cụ thể về chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Như vậy, một trong những mục đích của Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 918/QĐ-TTg năm 2024 là bảo đảm việc xây dựng và triển khai đúng tiến độ, chất lượng của các văn bản cụ thể về chính sách điều chỉnh lương hưu.
Tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu như thế nào?
Căn cứ khoản 6 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội; có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do người tham gia lựa chọn.
3. Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
6. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu và trợ cấp tuất hằng tháng tính theo năm, một năm phải tính đủ 12 tháng. Trường hợp tính mức hưởng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
...
Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng tính theo năm, một năm phải tính đủ 12 tháng.
Trường hợp tính mức hưởng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có tháng lẻ từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.