Chính sách của nhà nước đối với hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp năm 2023 là gì?
Nhà nước quy định của về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như thế nào?
Theo Điều 19 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp
1. Đối tượng hỗ trợ:
a) Thanh niên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp;
b) Thanh niên đã khởi sự doanh nghiệp.
2. Nội dung hỗ trợ:
a) Cung cấp kiến thức về pháp luật, quản trị doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan khởi sự doanh nghiệp;
b) Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp;
c) Cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.
3. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp.
Theo đó, nhà nước hỗ trợ thanh niên có nhu cầu hoặc đã khởi nghiệp được đào tạo kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, pháp luật, quản trị doanh nghiệp và các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà nước còn cho thanh niên vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ thanh niên trong những bước đầu khởi nghiệp.
Chính sách của nhà nước đối với hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp năm 2023 là gì? (Hình từ Internet)
Chính sách của nhà nước đối với hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp năm 2023 là gì?
Để hỗ trợ thanh niên trên con đường khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ban hành Quyết định 897/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022-2030 với mục tiêu được nêu tại Mục I Quyết định 897/QĐ-TTg năm 2022 như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 1 (2022 - 2025):
- 100% cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được bồi dưỡng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, về công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
- 100% tỉnh, thành đoàn hàng năm có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên.
- Hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp.
- Ít nhất 80.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
- 40% các tỉnh, thành đoàn thành lập Hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
- 40% các tỉnh, thành đoàn có các thiết chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
- Hỗ trợ thành lập 200 hợp tác xã do thanh niên làm chủ.
- Hằng năm hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP.
b) Giai đoạn 2 (2026 - 2030):
- 100% cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được bồi dưỡng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, về công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
- 100% tỉnh, thành đoàn hằng năm có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên.
- Hỗ trợ 12.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 2.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Hằng năm, 200.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp.
- Duy trì và xây dựng 120.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
- 100% các tỉnh, thành đoàn thành lập Hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
-100% các tỉnh, thành đoàn có các thiết chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
- Hỗ trợ thành lập 300 hợp tác xã do thanh niên làm chủ.
- Hằng năm hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP.
Theo đó, chính sách được chia ra làm 2 giai đoạn với giai đoạn 1 từ 2022-2025 và giai đoạn 2 từ 2026-2030.
Hiện tại nhà nước đang tiến hành giai đoạn 1 với mục tiêu hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như sau:
Giai đoạn 1 (2022 - 2025):
- Hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp.
- Ít nhất 80.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
- Hỗ trợ thành lập 200 hợp tác xã do thanh niên làm chủ.
Nhiệm vụ và giải pháp của nhà nước trong chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hiện nay là gì?
Theo Mục I Quyết định 897/QĐ-TTg năm 2022 có nêu nhiệm vụ và giải pháp của nhà nước trong chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tập trung vào các vấn đề chính như sau:
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, về vai trò của thanh niên đối với sự phát triển kinh tế.
+ Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp và vai trò, vị trí, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Xây dựng nội dung và vận hành cổng thông tin Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp.
+ Biên soạn tài liệu, ấn phẩm dưới dạng sách viết, sách điện tử, sách nói nhằm phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến, cung cấp thông tin và hỗ trợ thanh niên nâng cao nhận thức về khởi nghiệp; xây dựng sách trắng về thanh niên khởi nghiệp.
+ Xây dựng và phát huy các chuyên trang, chuyên mục trên các báo của Đoàn, Hội để giới thiệu về các gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, các mô hình khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên.
+ Phối hợp các đơn vị truyền hình, các Hiệp hội ngành nghề và các tổ chức khác xây dựng các chương trình truyền hình, chương trình phát thanh, chương trình thực tế về khởi nghiệp.
+ Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, thanh niên; tổ chức các cuộc giao lưu giữa thanh niên với các doanh nhân thành đạt.
+ Định kỳ hằng năm tổ chức tuyên dương doanh nhân trẻ khởi nghiệp tiêu biểu và tổ chức tôn vinh chuyên gia, nhà tư vấn, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp tiêu biểu. Lồng ghép các nội dung, giải pháp định hướng về khởi nghiệp trong các chương trình định hướng, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho thanh thiếu niên.
+ Tuyên truyền, tư vấn, tập huấn cho thanh niên khởi nghiệp khi tiếp cận các nguồn vốn và nhà đầu tư nước ngoài nhằm tránh bị các tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng vào mục đích gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
- Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh
+ Tìm kiếm, sàng lọc và củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng.
+ Hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho thanh niên.
+ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước
+ Xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên
+ Hỗ trợ tư vấn pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp
+ Hỗ trợ liên kết, phát triển mạng lưới doanh nghiệp khởi nghiệp
- Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
+ Đầu tư phát triển các thiết chế hỗ trợ khởi nghiệp
+ Khai thác các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh doanh
+ Nghiên cứu, góp ý điều chỉnh, bổ sung, đề xuất mới các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh doanh theo đối tượng, vùng miền.
+ Tổ chức “Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp”, các chương trình đối thoại giữa doanh nhân trẻ, thanh niên khởi nghiệp với lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị đề xuất những chính sách, chương trình thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
+ Tham vấn, kiến nghị các chính sách nhằm thu hút nguồn lực từ thanh niên kiều bào, du học sinh về nước khởi nghiệp.
+ Xây dựng tài liệu tổng hợp các chính sách của Nhà nước hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
+ Giám sát việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thực thi chính sách về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên theo Quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
+ Phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, luật pháp về phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.