Chế độ tử tuất đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay như thế nào?
Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ tử tuất không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
...
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
...
Theo đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là những người là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không tham gia BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
..
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
...
Như vậy, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng 2 chế độ là chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Ở Luật Bảo hiểm xã hội 2006 cũng ghi nhận chế độ tử tuất khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chế độ tử tuất đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay như thế nào? (Hình từ Internet)
Mức hưởng trợ cấp mai táng của thân nhân người lao động tham gia BHXH tự nguyện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về trợ cấp mai táng của người tham gia BHXH tự nguyện như sau:
- Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:
+ Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên;
+ Người đang hưởng lương hưu.
- Trường hợp người quy định trên bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp mai táng.
- Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định trên chết.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì từ 01/7/2019 mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng.
Như vậy mức trợ cấp mai táng hiện nay bằng 14.900.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 và Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì dự kiến từ ngày 01/7/2023 mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1.800.000 đồng, kéo theo mức trợ cấp mai táng sẽ bằng 18.000.000 đồng.
Mức hưởng trợ cấp tuất của thân nhân người lao động tham gia BHXH tự nguyện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về trợ cấp tuất của người tham gia BHXH tự nguyện như sau:
- Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp tuất một lần khi:
+ Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội chết
+ Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết
+ Người đang hưởng lương hưu chết
- Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm:
+ Bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014;
+ Bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.
+ Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội;
+ Trường hợp người lao động có cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
- Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu:
+ Nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng;
+ Trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.