Chế độ chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân thế nào?
Chế độ chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân thế nào?
Theo Điều 44 Luật Phòng không nhân dân 2024 quy định chế độ chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân như sau:
- Người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được huy động làm nhiệm vụ phòng không nhân dân tại địa phương, cơ quan, tổ chức được hưởng nguyên lương, các loại phụ cấp hiện hưởng và được hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe theo quy định của pháp luật.
- Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được Nhà nước chi trả tiền công lao động theo ngày huy động đảm bảo không thấp hơn mức tiền công hiện hưởng, trường hợp không có thu nhập ổn định thì đảm bảo không thấp hơn mức thu nhập trung bình tại địa phương và được hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe theo quy định của pháp luật.
- Trong thời gian huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện diễn tập, làm nhiệm vụ phòng không nhân dân, nếu bị thương được xem xét giải quyết chính sách thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh được xem xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Trường hợp bị ốm, đau, tai nạn hoặc chết trong thời gian thực hiện nhiệm vụ nếu không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động phòng không nhân dân có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại sức khỏe, thiệt hại tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
- Chủ sở hữu tài sản sử dụng vào hoạt động phòng không nhân dân trong thời bình được bồi thường khi tài sản bị thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chế độ chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân thế nào? (Hình từ Internet)
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân gồm mấy lực lượng?
Theo Điều 12 Luật Phòng không nhân dân 2024 quy định thì lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân bao gồm 2 lực lượng: Lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi.
- Lực lượng nòng cốt là lực lượng được tổ chức tại các đơn vị bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ và dự bị động viên.
- Lực lượng rộng rãi bao gồm:
+ Lực lượng được huy động gồm Dân quân tự vệ, quân nhân dự bị chưa được sắp xếp vào các đơn vị và lực lượng từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân để tham gia bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập, phục vụ chiến đấu, chiến đấu, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không và bảo đảm an toàn phòng không;
+ Lực lượng tự nguyện do quần chúng nhân dân tham gia để phục vụ chiến đấu, chiến đấu, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không và bảo đảm an toàn phòng không.
Chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân như thế nào?
Theo Điều 4 Luật Phòng không nhân dân 2024 quy định chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân như sau:
- Bảo đảm nguồn lực của Nhà nước và huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; ưu tiên bổ sung ngân sách cho trọng điểm phòng không nhân dân, địa phương đặc biệt khó khăn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
- Có chế độ, chính sách nâng cao năng lực cho lực lượng phòng không nhân dân; bồi dưỡng nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động phòng không nhân dân; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng phòng không nhân dân.
- Ưu tiên đầu tư về khoa học và công nghệ trong hoạt động phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho hoạt động phòng không nhân dân trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế.
Lưu ý: Luật Phòng không nhân dân 2024 có hiệu lực từ 01/07/2025.