Cha mẹ nuôi mất thì người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương mấy ngày?
Cha mẹ nuôi mất thì người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương mấy ngày?
Căn cứ tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1.Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2.Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3.Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo đó, pháp luật quy định cha mẹ nuôi mất thì người lao động sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương 3 ngày. Tuy nhiên trường hợp này người lao động phải thông báo với người sử dụng lao động.
Lưu ý: để kéo dài số ngày nghỉ hưởng nguyên lương, người lao động vẫn có thể dùng số ngày nghỉ phép năm của mình (khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019).
Cha mẹ nuôi mất thì người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương mấy ngày?
Không cho người lao động nghỉ hưởng nguyên lương khi cha mẹ nuôi mất thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
...
Như vậy, người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ hưởng nguyên lương khi cha mẹ nuôi mất thì bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Tiền lương của người lao động hiện nay được xác định thế nào?
Căn cứ theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Và căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định về mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo đó, tiền lương của người lao động được xác định như sau:
- Theo thỏa thuận để người lao động thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
Mức lương tối thiểu vùng của người lao động hiện nay như sau:
- Vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng; 23.800 đồng/giờ.
- Vùng 2 là 4.410.000 đồng/tháng; 21.200 đồng/giờ.
- Vùng 3 là 3.860.000 đồng/tháng; 18.600 đồng/giờ.
- Vùng 4 là 3.450.000 đồng/tháng; 16.600 đồng/giờ.
(Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP)