Can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lấy ý kiến về đình công thì bị xử phạt như thế nào?
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm gì khi tổ chức đại diện người lao động thực hiện lấy ý kiến về đình công?
- Xử phạt hành vi can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt hành vi can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công không?
Người sử dụng lao động có trách nhiệm gì khi tổ chức đại diện người lao động thực hiện lấy ý kiến về đình công?
Căn cứ Điều 201 Bộ luật Lao động 2019 quy định về lấy ý kiến về đình công như sau:
Lấy ý kiến về đình công
1. Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công quy định tại Điều 198 của Bộ luật này có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng.
2. Nội dung lấy ý kiến bao gồm:
a) Đồng ý hay không đồng ý đình công;
b) Phương án của tổ chức đại diện người lao động về nội dung quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 202 của Bộ luật này.
3. Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác.
4. Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.
Theo quy định, người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.
Can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lấy ý kiến về đình công thì bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Xử phạt hành vi can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công?
Căn cứ khoản 3 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về giải quyết tranh chấp lao động
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công;
b) Trù dập hoặc trả thù đối với người lao động tham gia đình công hoặc người lãnh đạo đình công;
c) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong trường hợp theo quy định tại Điều 206 của Bộ luật Lao động;
d) Gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lấy ý kiến về đình công.
...
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo quy định, người sử dụng lao động có hành vi can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lấy ý kiến về đình công thì bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 5 - 10 triệu đồng (mức phạt cá nhân) và từ 10 - 20 triệu đồng (mức phạt tổ chức).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt hành vi can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công không?
Căn cứ khoản 2 Điều 48 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định này;
c) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Chương IV Nghị định này;
d) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV, trừ hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 32 Nghị định này;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II, Chương III, Chương IV Nghị định này.
...
Theo quy định, hành vi can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công thuộc phạm vi thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện và mức xử phạt đối với hành vi này nhỏ hơn mức phạt tiền mà Chủ tịch UBND cấp huyện được phép.
Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền xử phạt người sử dụng lao động có hành vi can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.