Cán bộ, công chức viên chức muốn được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ cần điều kiện gì?
- Cán bộ, công chức viên chức muốn được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ cần điều kiện gì?
- Cán bộ, công chức viên chức phải đền bù chi phí đào tạo sau khi được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong trường hợp nào?
- Quản lý tiền lương và thu nhập từ 1/7/2024 đối với cán bộ, công chức viên chức khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 ra sao?
Cán bộ, công chức viên chức muốn được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ cần điều kiện gì?
Theo Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định để được cử đi học các lớp sau đại học như học thạc sĩ, tiến sĩ thì cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Điều kiện với cán bộ, công chức:
+ Phải có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ;
+ Độ tuổi không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu;
+ Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;
+ Có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
- Điều kiện với viên chức:
Còn viên chức, để được xem xét cử đi học cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có);
+ Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;
+ Ngoài ra chuyên ngành đào tạo cần phù hợp với vị trí việc làm.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.
Cán bộ, công chức viên chức muốn được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ cần điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Cán bộ, công chức viên chức phải đền bù chi phí đào tạo sau khi được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong trường hợp nào?
Theo Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định thì cán bộ, công chức viên chức, được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Cán bộ, công chức viên chức tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
- Cán bộ, công chức viên chức không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
- Ngoài ra còn trường hợp đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng cán bộ, công chức viên chức bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP.
Quản lý tiền lương và thu nhập từ 1/7/2024 đối với cán bộ, công chức viên chức khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 ra sao?
Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết 104/2023/QH15 về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024.
Về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Tại Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có nêu rõ cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.
- Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì áp dụng chế độ tiền lương như công chức. Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị, không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.