Thành thạo ngoại ngữ mở ra nhiều cơ hội việc làm như thế nào?

Cho tôi hỏi thành thạo ngoại ngữ mở ra nhiều cơ hội việc làm như thế nào? Làm sao để học ngoại ngữ tốt? Câu hỏi từ chị M.D (Hậu Giang).

Thành thạo ngoại ngữ mở ra nhiều cơ hội việc làm như thế nào?

Hầu hết trong phần mô tả việc làm của các công ty vừa và lớn hiện nay đều yêu cầu ứng viên có trình độ ngoại ngữ, thông dụng nhất là tiếng Anh.

Ngày nay, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ ở một trình độ nhất định. Nhiều chuyên ngành trong nghệ thuật và nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng yêu cầu bạn phải học hoặc nghiên cứu về một hoặc nhiều ngôn ngữ để đảm bảo sự sáng tạo và thành công trong tương lai. Có kiến thức về ngoại ngữ tức là bạn có thêm khả năng tự tìm kiếm tài liệu, đào sâu kiến thức về các ngành học đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng.

Với trình độ ngoại ngữ ở mức khá trở lên, bạn sẽ có nhiều lựa chọn công việc hấp dẫn hơn so với các ứng viên không có ngoại ngữ. Bởi bạn có thể tiếp cận với các công việc ở môi trường đa quốc gia, làm việc với các khách hàng quốc tế, nơi có quy trình làm việc chuyên nghiệp với mức thu nhập hấp dẫn.

Không những thế, với nhân viên có ngoại ngữ tốt, họ luôn được "ưu ái" hơn về cơ hội thăng tiến cũng như mức lương cao hơn so với người không có ngoại ngữ.

Ngoài ra, bạn có thể gia tăng thu nhập cho bản thân bằng cách hợp tác với các dự án Freelance từ các công ty nước ngoài. Một thực tế đang diễn ra là thu nhập từ các công ty nước ngoài luôn cao hơn hẳn so với mặt bằng thu nhập chung tại Việt Nam.

Thành thạo ngoại ngữ mang lại nhiều lợi ích cho việc làm, giúp bạn có cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân.

>> Cơ hội việc làm chuyên viên tư vấn bảo hiểm với mức lương cạnh tranh

Thành thạo ngoại ngữ mở ra nhiều cơ hội việc làm như thế nào?

Thành thạo ngoại ngữ mở ra nhiều cơ hội việc làm như thế nào? (Hình từ Internet)

Làm thế nào để thành thạo ngoại ngữ?

Bjorn (quốc tịch Na Uy) là người thông thạo 4 thứ tiếng chia sẻ 10 nguyên tắc học ngoại ngữ đúc rút từ quá trình trau dồi của bản thân.

Từ đầu, bạn phải tập trung vào việc học bảng chữ cái, cách phát âm sau đó hãy học 500 từ thông dụng đầu tiên.

Để học một ngôn ngữ còn bao gồm bốn kỹ năng thực tế là nghe, nói, đọc và viết. Trong đó nói và viết được coi là kỹ năng sản xuất, lấy từ những kiến thức bạn đã hấp thụ trước đó qua việc trau dồi hai kỹ năng nghe và đọc.

Sau đây là 10 nguyên tắc tốt nhất để học ngoại ngữ của Bjorn:

1. Học mỗi ngày

Sự nhất quán là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc học ngôn ngữ. Thay vì học liên tục 2 tiếng vào cuối tuần, việc học 10-15 phút mỗi ngày sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Mỗi ngày, bạn nên dành ra từ 30 phút đến một tiếng.

Hãy coi việc học ngôn ngữ là việc làm nhất định mỗi ngày, thêm nó vào lịch trình sinh hoạt thường nhật của bạn và cố gắng duy trì tạo thành thói quen. Nếu có thời gian, bạn nên học ngoại ngữ vào buổi sáng vì đó là quãng thời gian sau khi bạn đã nghỉ ngơi đủ dài và có thể tập trung nhanh chóng hơn.

2. Học trong môi trường yên tĩnh

Khi quyết tâm ngồi vào bàn học, điều quan trọng nhất là tránh bị gián đoạn hoặc mất tập trung. Hãy chuyển điện thoại của bạn về chế độ im lặng để không có thông báo hay tin nhắn gây gián đoạn sự tập trung và ngồi học trên bàn, trong phòng yên tĩnh.

3. Học cụm từ

Một trong những phương pháp học ngôn ngữ phổ biến nhất là học từ mới qua flashcard nhưng đây không phải cách làm hiệu quả. Thay vì học từng từ riêng lẻ, bạn hãy học theo cụm từ hoặc câu hoàn chỉnh có chứa từ mới cần học. Bằng cách này bạn sẽ biết cách sử dụng từ ngữ theo bối cảnh cụ thể và ghi nhớ dễ dàng hơn việc cố gắng học thuộc một từ duy nhất.

Khi học theo câu, bạn nên xây dựng câu có ý nghĩa, mang giá trị thực tế để làm phong phú thêm kho tàng câu sử dụng trong giao tiếp.

4. Không học nhiều tài liệu cùng lúc

Nhiều người học ngoại ngữ cảm thấy choáng ngợp bởi số lượng tài liệu có sẵn trên Internet.

Điều quan trọng không nằm ở số ứng dụng, tài liệu học bạn có mà phải linh hoạt, tìm ra những công cụ thực sự hữu ích đối với bạn. Khi mới bắt đầu học ngôn ngữ, bạn hãy chọn ra 1-2 tài liệu uy tín như sách giáo trình, khóa học trực tuyến hay ứng dụng trên điện thoại nhưng phải đảm bảo học hết chúng trước khi tìm nguồn tài nguyên mới.

5. Không dồn hết tập trung vào ngữ pháp

Việc học ngữ pháp không phải câu chuyện đơn giản, thú vị nên nếu dồn hết tâm trí cho nó, bạn sẽ sớm cảm thấy chán nản, bực bội và không thể khám phá nhiều khía cạnh quan trọng hơn của ngôn ngữ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc ngồi một chỗ, học thuộc bảng động từ là phương pháp kém hiệu quả.

Một trong những chiến lược học ngôn ngữ thành công là không tập trung quá nhiều vào ngữ pháp. Xuất phát điểm, bạn chỉ nên học những kiến thức cơ bản, đặt trọng tâm vào việc học từ vựng và kỹ năng đọc.

6. Luyện nghe và phát âm

Khi học từ hay cụm từ mới, điều quan trọng là bạn phải phát âm chính xác. Bạn hãy làm quen với âm thanh của ngôn ngữ bằng cách nói to để học cách phát âm.

Nếu học một ngôn ngữ mới, sẽ mất khoảng thời gian để não bộ và lưỡi của bạn làm quen với việc nói, sử dụng từ vựng mới. Khi tìm kiếm tài liệu âm thanh, hãy chọn đầu vào dễ hiểu, tức những nguồn tư liệu bạn có thể nghe hiểu 70-80%.

Điều quan trọng khác là hãy nghe đi nghe lại nguồn tài liệu nhiều lần. Thay vì 2-3 lần, hãy kiên trì nghe 20-30 lần. Điều này sẽ giúp bạn phân biệt những từ riêng lẻ và ghi nhớ cách phát âm.

7. Đọc là chìa khóa để lưu loát

Đọc là kỹ năng giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ tốt nhất vì nó cung cấp cho bạn kiến thức về câu, từ vựng, cấu trúc ngữ pháp. Đó là lý do tại sao những người học đọc sách ngoại văn lại tiến bộ nhanh hơn những người học không làm điều này, dù họ tham gia cùng một lớp. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn hình thành thói quen đọc sách ngoại văn, bạn sẽ phát triển vốn ngôn ngữ phong phú, đa dạng hơn những phương pháp khác.

Giống như nghe, thời gian đầu nên lựa chọn nguồn tài liệu mà bạn có thể đọc hiểu 70-80%. Các tài liệu này phải sử dụng từ vựng, ngữ pháp phù hợp với trình độ đọc của bạn. Bạn nên bắt đầu với những câu chuyện ngắn, sau đó chuyển sang đọc tiểu thuyết. Hãy đọc về chủ đề bạn quan tâm để phát triển thói quen.

8. Sử dụng thời gian rảnh để thực hành

Như đã đề cập ở nguyên tắc thứ nhất, bạn nên học 30 phút đến một tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những khoảng thời gian trống trong ngày để thực hành vận dụng kiến thức đã học.

Mỗi ngày, bạn có rất nhiều thời gian trống, chẳng hạn khi đi xe bus. Hãy tận dụng quãng thời gian này để luyện nghe thông qua khóa học trực tuyến hoặc podcasts hoặc luyện nói. Tranh thủ thời gian để học và luyện tập mỗi ngày sẽ giúp cải thiện trình độ ngôn ngữ nhanh chóng hơn.

9. Tìm người luyện nói

Nếu có những người bạn cũng đang học ngôn ngữ giống như bạn, hãy cùng họ luyện tập nói thông qua việc thực hành trò chuyện. Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm những cộng đồng trao đổi ngôn ngữ trên Internet. Trước khi luyện nói, bạn nên giắt túi khoảng 500 từ mới.

10. Giữ động lực cho bản thân

Sẽ có những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, muốn từ bỏ và mất động lực. Đây là trạng thái hoàn toàn bình thường mà những người học ngôn ngữ đều trải qua. Người thành công là có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực này, giữ cho mình động lực để tiếp tục chinh phục ngoại ngữ.

Nếu bạn đã học được kha khá kiến thức và muốn nâng cấp trình độ của mình, chắc chắn bạn sẽ thấy nản vì trình độ cao hơn đồng nghĩa với nhiều kiến thức nặng và khó học hơn. Giải pháp hữu hiệu trong hoàn cảnh này là thay đổi công cụ và phương pháp học.

Bạn cũng nên tự thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành mục tiêu hoặc biết thêm kiến thức mới. Một cách để làm điều này là tạo sổ nhật ký học tập, nơi bạn viết ra những kiến thức đã học, cách bạn vượt qua kiến thức khó hoặc cập nhật trình độ của bản thân theo ngày.

Phan Thị Huyền Trân

1085 lượt xem
lượt xem

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào